Chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn. Tôi đang muốn nói đến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thương mại điện tử và những biến cố khôn lường diễn ra từng ngày trên Trái Đất. Một ngày bạn phải đối mặt với quá nhiều luồng thông tin, cần phải đưa ra quá nhiều quyết định và có vố vàn những vấn đề cần suy nghĩ.
Nếu thực sự có thể tối giản cuộc sống, giảm thiểu sự lựa chọn, loại bỏ xao nhãng không đáng có, liệu bạn sẽ thế nào?
Câu trả lời có lẽ chỉ gói gọn ở ba chữ đơn giản: “Less is More”. Nếu bắt đầu tối giản cuộc sống, bạn sẽ có thêm nhiều thứ cho cuộc đời mình. Thêm thời gian, thêm năng lượng, thêm tài sản, thêm hạnh phúc. Cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều không chỉ cho bạn, mà cho tất cả chúng ta.
Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu ba khía cạnh mà mỗi chúng ta có thể thực hiện tối giản cuộc sống. Ba điều này gồm có: tối giản vật chất, tối giản không gian số và tối giản tâm trí.
Chú ý: Bắt đầu nhỏ
Khi áp dụng một điều mới mẻ vào cuộc sống, tôi luôn sử dụng nguyên tắc bắt đầu nhỏ. Bạn không thể kỳ vọng bản thân có thể ngay lập tức làm được mọi chuyện một cách hoàn hảo chỉ trong một thời gian ngắn. Những mục tiêu vô thực như vậy chỉ khiến bản thân dễ nản chí và bỏ cuộc? Bắt đầu nhỏ làm cho bạn thấy dễ dàng và thoải mái hơn nhiều.
Đầu tiên, bạn chỉ cần đặt cho mình một khoảng thời gian 5-10 phút để dọn dẹp, sắp xếp bàn làm việc, khu bếp hoặc tủ quần áo mùa hè của bạn. Sau khi đã vượt qua vài lần đầu tiên trơn tru, bạn sẽ có động lực để tiến xa hơn nữa. Từ đó, bạn cũng có thể điều chỉnh thêm nhiều thời gian hơn cho những hoạt động này khi chúng đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống.
Tối giản vật chất
Tối giản vật chất, theo tôi hiểu đơn giản, là vứt bỏ những thứ không còn cần thiết đồng thời dọn dẹp, sắp xếp những thứ đồ còn lại một cách gọn gàng, ngăn nắp. Việc này giúp cải tạo không gian sống và chất lượng cuộc sống.
Mỗi một lần chuyển nhà, tôi đều soạn ra được gần một nửa đồ đạc không còn sử dụng nữa và cho đi. Tuy nhiên, vẫn còn một số nữa vì tiếc nên tôi lại giữ lại. Tính ra, có đến gần ⅔ đồ đạc tôi không sử dụng đến và thường xuyên cất vào các hộp lưu trữ. Từ trường hợp của mình tôi nghĩ rằng bạn có thể dễ dàng cho đi hơn nửa số đồ dùng đang cất giữ trong nhà của mình. Điển hình là quần áo, bát đĩa, tài liệu cũ…
Khi dọn dẹp đồ đạc, chúng ta thường để cho cảm xúc lấn át nên quá trình tối giản thường trở nên khó khăn hơn với mọi người. Bạn khó đưa ra quyết định vứt bỏ, dù thực tế là bạn cũng chẳng bao giờ sử dụng đến chúng.
Tôi bất giác nhớ đến câu chuyện Toys Story, đồ chơi được làm ra là để chơi, nếu không chơi, chúng cũng sẽ buồn bã, và thấy bản thân không còn có ích nữa. Đồ vật không được sử dụng, lưu trữ trên những kệ tủ để chúng bụi bặm cùng thời gian cũng là một điều lãng phí. Ủng hộ, quyên tặng những ai có nhu cầu là một cách làm hiệu quả và mang lại giá trị cho mọi người.
Giảm không gian lưu trữ
Càng nhiều không gian lưu trữ, chúng ta càng có xu hướng cất giữ đồ đạc. Tôi thường xuyên mua hộp lưu trữ để cất giữ những đồ cả năm chẳng dùng đến lần nào. Điều này khiến tôi hiểu ra càng nhiều hộp chứa đồ, chúng ta càng có xu hướng mua thêm nhiều đồ đạc và cất giữ chúng.
Hiện tại, tôi chỉ mua một số lượng giới hạn hộp chứa đồ (5 hộp 30L cho đồ chơi của con và đồ điện tử của chồng). Đồng thời luôn nhắc nhở bản thân rằng không có chỗ để chứa thêm đồ đạc và hạn chế mua sắm những đồ dùng không thực sự cần thiết.
Lưu trữ những món đồ đặc biệt hoặc sử dụng theo mùa.
Những món đồ theo mùa như chăn ga, hay quần áo mùa đông nên được phân loại và cất giữ ở một nơi riêng biệt. Như vậy sẽ giúp cho không gian sống của bạn gọn gàng ngăn nắp hơn.
Vứt bỏ mọi thứ đã quá hạn sử dụng
Đồ dùng quá hạn sẽ không thể sử dụng được nữa. Đừng tiếc của mà hãy mạnh dạn loại bỏ chúng. Bạn nên kiểm tra một lượt từ phòng bếp, phòng tắm, phòng ngủ, tủ thuốc, tủ lạnh, mỹ phẩm,…để bảo đảm chắc chắn không còn món đồ nào quá hạn tồn tại trong ngôi nhà của bạn
Áp dụng luật one-in-one-out
Luật này có nghĩa là nếu muốn mua một thứ mới thì bạn phải bỏ đi một thứ cũ. Điều này giúp bạn suy nghĩ kỹ hơn mỗi khi mua món đồ gì đó. Đồng thời điều này cũng giúp những món đồ không còn nhu cầu sử dụng có thể tìm được chủ nhân mới hoặc được sử dụng vào mục đích khác phù hợp hơn.
Phương pháp bốn chiếc hộp
Bốn chiếc hộp là phương pháp hiệu quả và đơn giản giúp bạn giải quyết những đống lộn xộn đồ đạc. Chỉ cần tìm bốn chiếc hộp đựng đồ và dán nhãn chúng theo những mục sau đây:
- Thùng rác: Đồ đạc bạn không còn cần hoặc không muốn sử dụng nữa, nhưng cũng không đáng giá để cho tặng hoặc đem bán.
- Cho tặng/Bán: Đồ vật có thể có giá trị với người khác mà bạn có thể ủng hộ, quyên tặng hoặc đem bán.
- Lưu trữ: Quần áo theo mùa, chăn ga là những đồ vật bạn có thể cất giữ để sử dụng khi cần thiết.
- Giữ lại/tái sử dụng: Cho những đồ đạc bạn sử dụng thường xuyên, nên dọn dẹp và để lại chỗ quy định mỗi khi sử dụng xong.
Mua sắm có chủ đích
Những đợt khuyến mãi rầm rộ, giảm giá lên đến 70%,80% không nên là lý do để bạn mua một món đồ nào đó. Bởi món đồ sẽ được giảm giá 100% nếu bạn không mua nó.
Mỗi khi mua sắm bất kỳ điều gì, bạn hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ và tự hỏi bản thân vài câu hỏi nhỏ như: Mình có thực sự cần món đồ đó không? Mình có chỗ để đặt/để/cất giữ nó không? Mình có khả năng chi trả cho món đồ đó không?
Bình thường, mỗi khi muốn mua sắm đồ tôi cũng thường đi cùng bạn bè để hạn chế việc mua sắm tùy hứng. Còn lại, chủ yếu tôi mua đồ qua các sàn thương mại điện tử.Khi thích một món đồ nào đó, tôi cho vào giỏ hàng nhưng chưa tiến hành thanh toán ngay. Nếu sau một tuần, tôi vẫn còn thích món đồ đó và thực sự cảm thấy cần thiết thì sẽ mua nó. Còn không, tôi sẽ loại ra khỏi giỏ hàng của mình.
Tối giản kỹ thuật số
Sau khi tối giản không gian sống, bạn có thể bắt đầu thực hiện tối giản không gian số đơn giản hơn. Một số quy tắc bạn có thể sử dụng như:
Lưu trữ dữ liệu đám mây
Sao lưu tất cả những tài liệu quan trọng của bạn lên các dịch vụ lưu trữ đám mây như iCloud, Google Drive. Điều này giúp tăng tốc thiết bị và giải phóng bộ nhớ. Ngoài ra, nếu máy tính hay điện thoại của bạn có gặp bất kỳ vấn đề gì, bạn cũng không phải lo lắng về việc mất dữ liệu quan trọng. Bạn cũng có thể cài đặt việc tự động sao lưu định kỳ cho thiết bị của bạn.
Xóa hết tất cả mọi thứ có thể
Xem xét từng hạng mục một trong máy tính hay điện thoại của bạn (tài liệu, hình ảnh, video, link, bookmark, ứng dụng,..) để tìm kiếm những thứ không còn sử dụng nữa và xóa chúng đi.
Sau đó,…
Sắp xếp phần còn lại vào những thư mục liên quan
Sắp xếp tất cả tài liệu vào những thư mục riêng một cách gọn gàng, ngăn nắp. Điều này khiến bạn tiết kiệm cả tấn thời gian tìm kiếm và cũng cho bạn một cảm giác thoải mái khi nhìn vào màn hình.
Hủy đăng ký thư điện tử
Tôi rất thích một hộp thư trống trơn. Một ngày tôi luôn dành một khoảng thời gian cố định (5-10 phút) để kiểm tra email và phân loại chúng. Kể từ khi bắt đầu The Introvert Writer, tôi đăng ký nhiều thư điện tử hơn từ nhiều kênh thông tin để học hỏi cách viết newsletter và thu thập thêm những kiến thức có ích cho sự nghiệp.
Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều email không còn phù hợp và khiến hộp thư của tôi quá tải. Tôi thực hiện việc sàng lọc và hủy đăng ký định kỳ để không phải nhận những email bản thân không cần hoặc muốn.
Tắt tất cả thông báo
Thông báo từ các ứng dụng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mất tập trung. Tôi thường tắt hết tất cả các thông báo trên máy tính. Trên điện thoại, tôi chỉ để lại những thông báo cho cuộc gọi và tin nhắn từ những người thân thiết.
Tối giản tâm trí
Giảm thiểu số lần đưa ra quyết định trong ngày
Mỗi ngày, bạn đều phải đưa ra hàng ngàn quyết định lớn nhỏ. Từ việc ăn gì, uống gì, mặc gì, cho đến những việc liên quan đến công việc, hay gia đình, con cái. Việc này thường đẩy bạn vào trạng thái căng thẳng và thường lấy đi nhiều thời gian và năng lượng của bạn.
Hạn chế việc đưa ra quyết định là giải pháp tốt để bạn tập trung nguồn lực cho những điều thực sự quan trọng với bản thân. Một vài gợi ý cho bạn như chuẩn bị trước thực đơn cho cả tuần hay chuẩn bị quần áo đi làm từ tối hôm trước.
Bạn cũng có thể lựa chọn những bộ trang phục đơn giản nhưng vẫn hợp thời trang (basic items) để giảm thời gian phối đồ. CEO Facebook, Mark Zuckerberg thưởng chỉ mặc mỗi chiếc áo phông màu xám quen thuộc. Anh cho rằng vì bản thân cần phải quyết định quá nhiều chuyện hệ trọng trong ngày nên không muốn bận lòng về những điều nhỏ như trang phục, giày dép.
Đặc biệt, bạn còn có thể tiết kiệm cả tấn thời gian bằng cách lên kế hoạch cho tháng, tuần và ngày. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều dành 15 để chuẩn bị danh sách những việc cần làm vào hôm sau. Dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng chúng có thể tạo ra những tác động to lớn và tích cực lên cuộc đời của bạn.
Đọc thêm: Lập Kế Hoạch Một Ngày Thế Nào Để Làm Chủ Công Việc Và Cuộc Sống
Dừng multitasking
Tôi cho rằng multitasking không giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác sẽ làm gián đoạn sự tập trung của bạn, khiến bạn khó có thể đạt tới tình trạng làm việc sâu và hiệu quả.
Cách tốt nhất với tôi vẫn là tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu bạn đang viết bài, hãy tập trung viết. Đừng để công việc của bạn bị gián đoạn bởi email, tin nhắn hay những công việc khác không liên quan. Khi hoàn thành xong nhiệm vụ, bạn có thể chuyển sang công việc tiếp theo và lặp lại quá trình tập trung này.
Đọc thêm: Làm Thế Nào Để Cải Thiện Khả Năng Tập Trung Khi Làm Việc?
Thực hành thiền định
Một trong những cách thức tốt nhất để tối giản tâm trí đó là thực hành thiền định. Thiền định có khả năng chuyển hướng suy nghĩ và sự tập trung của bạn vào hiện tại. Do đó, bạn không bị ảnh hưởng bởi quá khứ, tương lai hay bất kỳ điều gì khác trong tâm trí. Tất cả chỉ còn lại trạng thái tĩnh lặng và an yên đáng giá cho tâm hồn.
Ngắt kết nối
Não bộ cần thời gian nghỉ ngơi và sạc lại năng lượng. Bởi vậy bạn có thể lên lịch cho những lần ngắt kết nối thường xen kẽ những khoảng thời gian làm việc mệt mỏi. Thay vì sử dụng mạng xã hội hay tụ tập bạn bè, bạn có thể dành thời gian cho bản thân, đi dạo, đọc sách, nghe nhạc hay học hỏi những kỹ năng mới hoặc làm bất kỳ điều gì bạn yêu thích.
Bạn cũng nên thiết lập những ranh giới cá nhân lành mạnh để cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của bản thân.
Đọc thêm: Lần Cuối Cùng Bạn Kết Nối Với Bản Thân Là Khi Nào?
Loại bỏ những mối quan hệ độc hại ra khỏi cuộc sống
Có những mối quan hệ không giúp bạn học hỏi và phát triển được gì mà chỉ đem lại cho bạn sự ức chế, tủi thân hoặc mệt mỏi. Nếu bạn có những mối quan hệ như vậy trong cuộc sống, hãy cân nhắc việc loại bỏ dần dần chúng ra khỏi cuộc sống.
Cuộc sống là ngắn ngủi, hãy cố gắng điền đầy bằng những khoảnh khắc vui vẻ, kết nối với những con người tích cực và đáng mến. Đừng dành thời gian quý giá của mình cho những mối quan hệ độc hại chỉ đem lại những tiêu cực cho bạn.
Tối giản lịch trình của bạn
Nếu bạn là một người bận rộn với lịch trình dày đặc từ sáng sớm đến tối mịt không một kẽ hở, có lẽ bạn sẽ khao khát một khoảng nghỉ dù chỉ vài phút để thực sự “thở” và tận hưởng cuộc sống. Điều bạn có thể làm là giảm đi những cuộc hẹn không quá quan trọng, từ chối những buổi tụ tập không cần thiết, dừng lại vài cuộc giao lưu mạng xã hội để sạc lại năng lượng cho chính mình. Học cách nói không cũng là một kỹ năng quan trọng chúng ta cần có trong thời đại hiện nay.
Những so sánh bản thân với người khác
Thực tế cho thấy, việc so sánh bản thân với người khác diễn ra rất phổ biến ở tất cả mọi người. Theo một nghiên cứu thì hơn 75% số người được hỏi cảm thấy ghen tị với một ai đó trong vòng một năm trở lại.
Dù tôi có đọc được những bài viết nói về việc so sánh bản thân có thể tạo ra động lực khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, nhưng tôi nhận thấy phần lớn việc này đều đem lại những cảm giác khó chịu và khiến bạn không hạnh phúc.
Đúng như Theodore Roosevelt từng nói “So sánh chính là kẻ cắp niềm vui”. Tệ hơn, so sánh có thể khiến bạn trở nên trầm cảm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Ngừng so sánh là khi bạn biết yêu thương và trân trọng chính mình, sống một cuộc sống lành mạnh và loại bỏ được xao nhãng từ cuộc sống. Đây có lẽ cũng là một cách tối giản cuộc sống bạn không nên bỏ qua.
Tối giản cuộc sống chỉ là một trong những cách thức giúp bạn tận hưởng những điều ý nghĩa trong cuộc đời và sống hạnh phúc hơn. Nó sẽ đòi hỏi ở bạn nhiều cố gắng và nỗ lực thay đổi tư duy và hành động trước khi có thể nhận được những trái ngọt đầu tiên trên hành trình cuộc sống. Một khi lựa chọn, hy vọng bạn có đủ kiên trì để không bỏ cuộc.
Đọc thêm: Những Gợi Ý Hiệu Quả Giúp Bạn Ngừng So Sánh Bản Thân Với Người Khác
Tham khảo: Làm Gì Khi Bạn Chán Nản Buông Xuôi Và Muốn Bỏ Cuộc?
Đọc thêm về lối sống tối giản:
- Bạn Có Nên Theo Đuổi Lối Sống Tối Giản?
- 4 Bước Hiệu Quả Để Bắt Đầu Sống Tối Giản
- How to Declutter Your Life, so You Have More Space and Mental Clarity
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.