Tôi là người rất hay so sánh bản thân với người khác. Từ khi còn bé, tôi luôn thấy tồi tệ khi lỡ đạt điểm thấp hơn bạn bè. Đến khi lớn lên, tôi áp lực khi chứng kiến cuộc sống thành đạt của những người xung quanh. Họ có nhiều tiền, đi du lịch khắp nơi, có ngôi nhà sang trọng hay có một công việc với vị trí đáng ngưỡng mộ và mức lương đáng để ước ao.
Đặc biệt kể từ khi tham gia mạng xã hội, mỗi ngày tôi đều trải qua những khoảnh khắc ghen tị với người khác. Có những khi, cảm giác khó chịu tôi tự tạo cho chính mình vì bản thân hay so sánh đã phá hỏng cả một ngày của tôi và cả những người tôi yêu thương. Chính vì lẽ đó, tôi tin rằng, so sánh bản thân với người khác mang đến nhiều tác hại hơn là lợi ích. Và tôi luôn cố gắng để giảm bớt việc so sánh “độc hại” này.
Không biết bạn đã từng đối mặt với việc so sánh bản thân mình với người khác hay chưa? Thực tế cho thấy việc so sánh bản thân với người khác diễn ra rất phổ biến ở tất cả mọi người. Theo một nghiên cứu thì hơn 75% số người được hỏi cảm thấy ghen tị với một ai đó trong vòng một năm trở lại.
Dù tôi có đọc được những bài viết nói về việc so sánh bản thân có thể tạo ra động lực khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, nhưng phần lớn, tôi nhận thấy việc so sánh bản thân với người khác đều đem lại những cảm giác khó chịu, khiến bạn không hạnh phúc. Đúng như Theodore Roosevelt từng nói “So sánh chính là kẻ cắp niềm vui”. Tệ hơn, so sánh còn khiến bạn trở nên trầm cảm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của chính mình.
Bản thân tôi đã có những lúc cực kỳ mệt mỏi vì những cảm giác khó chịu khi ghen tị với người khác. Những khi đó, câu hỏi mà tôi luôn mong muốn có thể tìm ra lời giải đáp đó là “Làm thế nào để ngừng so sánh bản thân với người khác?”
Nhận thức được bản thân đang so sánh
Đầu tiên, bạn cần nhận thức được những khoảnh khắc bạn đang so sánh bản thân với người khác. Đó có thể là khi nghe những người khác bàn tán về một người nào đó mà bạn biết giỏi hơn bạn, kiếm nhiều tiền hơn bạn. Hoặc có thể là khi vô thức lướt Facebook và bắt gặp chia sẻ từ một người bạn về những thành tích họ đạt được trong công việc.
Khi bắt đầu những ý nghĩ giống như “X sướng thật. Còn mình thì…”, hãy hét to lên với bản thân “DỪNG LẠI”. Lời khuyên nghe có vẻ sáo rỗng đúng không? Nhưng đó chính xác là những gì mà tôi đã thử và thấy hiệu quả.
Khi tôi bắt đầu cảm nhận mình đang so sánh, tôi thường nói với chính mình: “Dừng lại. Mình lại đang so sánh”. Khi nhận thức được điều này, tôi dần biết cách chuyển hướng sang những suy nghĩ khác tích cực hơn. Với tôi, bước nhận thức này là bước quan trọng nhất để có thể bắt đầu thay đổi và ngừng so sánh bản thân với người khác. Nó rất đáng để bạn thử, ngay hôm nay, ngay bây giờ.
Tất nhiên, nhận thức được bản thân đang so sánh hay ghen tị không phải đơn giản. Bởi bạn thường hay so sánh trong vô thức và có lúc còn không nhận ra mình đang so sánh. Tuy nhiên, chỉ cần bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn với tâm trạng mình, hãy tìm cách nhắc nhở bản thân.
Sau khi luyện tập được thói quen tự nhận thức này, bạn có thể bắt đầu thử nghiệm những cách chuyển hướng suy nghĩ tích cực như hít thở sâu, đi dạo, hoặc làm điều gì đó yêu thích. Còn với tôi, điều tôi hay làm nhất chính là thực hành biết ơn.
Thực hành biết ơn
Học cách biết ơn cuộc sống, biết ơn những gì bản thân đang có không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi luôn cố gắng thực hành hàng ngày. Bằng cách duy trì việc viết một lời biết ơn mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi thấy bản thân tiến bộ hơn nhiều trên hành trình loại bỏ cảm giác khó chịu mỗi khi đối mặt với sự so sánh không đáng có tôi tự tạo ra cho mình. Tôi nghĩ đến cảm giác tuyệt vời khi có sức khỏe, một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và được làm công việc mình yêu thích mỗi ngày.
Có một câu nói của Steve Jobs cũng luôn hiện lên trong tâm trí của tôi trong những khoảnh khắc phản tư: “Thời gian là có hạn bởi vậy đừng lãng phí cuộc sống của bạn để sống cuộc đời người khác”. Sống là chính mình, trân trọng và biết ơn những điều mình có chính là điều tôi khắc cốt ghi tâm để có thể tạo ra những chuyển biến tích cực cho bản thân.
Hiểu rằng so sánh bản thân với người khác là sự so sánh khập khiễng
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Bởi mỗi chúng ta là độc nhất vô nhị trên Trái Đất này. Bạn khác biệt bởi bạn có những giá trị riêng, sở thích riêng, tính cách riêng. Chắc chắn, bạn sẽ có ít nhất một đặc điểm mà người khác không có. Hiểu được sự thật đơn giản này sẽ khiến bạn nhận ra, việc thua kém người khác ở mặt này hay mặt khác cũng không hẳn có gì là nghiêm trọng khiến bạn phải tổn thương về tinh thần.
Tập trung vào những điểm mạnh của bạn
Thay vì nhìn vào những điểm tuyệt vời của người khác, hãy tìm kiếm những điểm mạnh của chính mình. Bạn nghĩ rằng mình không có điểm mạnh gì? Nếu vậy thì chắc chắn là bạn nhìn chưa đủ kĩ.
Một người bạn của tôi đã từng học rất kém các môn Toán, Lý, Hóa. Đến mức mà điểm tổng kết ba môn này lúc nào cũng dưới 3. Tuy nhiên, bạn ấy lại có khả năng hội họa tuyệt vời. Một người khác tuy công việc không có gì nổi bật, nhưng tài nghệ nấu ăn lại cực đỉnh. Nếu tập trung vào những điều này, chắc chắn bạn sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều. Khi đó, việc so sánh sẽ dần dần không khiến bạn bận tâm nhiều nữa.
Leo Babuta trong bài viết của mình có chia sẻ. “Tôi nhìn vào những người bạn có thể sáng tạo ra những video hay podcast tuyệt vời trên website của họ. Sau đó, tôi nhìn vào những kỹ năng đó của chính tôi. Tôi nhận ra rằng mình không thể nào so sánh được với họ. Thực tế, khả năng của tôi còn ở mức khá tệ.
Tuy nhiên, nghĩ kỹ một chút thì đây không hẳn là một sự so sánh công bằng. Chỉ bởi vì tôi không có những kỹ năng như họ, không có nghĩa là tôi không nên làm blog, hay nên thấy buồn tủi, chán nản và ghen tị vì điều này. Nếu như nhìn vào những điểm mạnh của bản thân tôi – những bài viết hữu ích và chân thành từ tận đáy lòng, tôi nghĩ rằng mình có rất nhiều điều để tự hào và hạnh phúc. Chính điều này giúp đã giúp tôi vững tin theo đuổi sự nghiệp của mình.
Điều quan trọng tôi muốn nói là khả năng nhìn vào những điểm mạnh, hiểu được giá trị thực sự của bản thân chính là một trong những chìa khóa của thành công. Nếu không có khả năng này, bạn khó có thể tiếp tục cố gắng và tin tưởng vào bản thân để tiến xa hơn trên con đường mình lựa chọn”.
Lấy so sánh làm động lực để phát triển
Đây là cách mà tôi thấy hiệu quả nhất với bản thân mình. Là người luôn có những suy nghĩ so sánh với người khác, gần như hàng ngày, nhất là khi truy cập Facebook và thấy những thành tựu của người khác, nhưng tôi đã thực hành đủ nhiều để có thể tự động chuyển sang chế độ được truyền cảm hứng.
Những câu hỏi tôi luôn nghĩ trong đầu đó là làm thế nào để có thể thành công được như họ? Mình cần tập trung phát triển những điều gì? Đâu là điểm yếu mà mình cần cải thiện? Một khi đã có câu trả lời, ví dụ là cần tối ưu thêm những bài viết chẳng hạn, tôi lập tức thực hành ngay. Cứ như thế, những suy nghĩ so sánh dần qua đi.
Hạn chế sử dụng mạng xã hội
Ý thức được việc sử dụng mạng xã hội là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những suy nghĩ so sánh với người khác, tôi hạn chế sử dụng mạng xã hội. Tôi từng đọc nhiều lời khuyên nên loại bỏ mạng xã hội hoàn toàn ra khỏi cuộc sống. Nhưng nếu bạn có những lý do chính đáng để sử dụng mạng xã hội, hãy điều chỉnh chứ không nên loại bỏ.
Hạn chế sử dụng mạng xã hội không mục đích. Thiết lập tần suất và thời gian sử dụng phù hợp là một điều đáng cân nhắc. Điều này không chỉ giúp bạn hạn chế những cảm giác tiêu cực mà còn khiến bạn tập trung vào bản thân, giảm thiểu xao nhãng và sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
5 câu hỏi phản tư dành cho bạn
Thực hành trả lời câu hỏi này cùng với nhật ký chính là một cách tốt giúp bạn nhận thức về tình trạng so sánh bản thân với người khác.
- Bạn thường so sánh bản thân mình với ai? Ảnh hưởng của sự so sánh này đến cuộc sống của bạn như thế nào?
- Tình huống hay hoàn cảnh nào dẫn đến việc bạn so sánh bản thân với họ? Những so sánh này thường là tích cực hay tiêu cực?
- Điều gì trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy tự hào hoặc thấy biết ơn?
- Bạn có thường nhìn nhận bản thân dựa trên những điều người khác nói?
- Điều gì thường làm cho bạn có tâm trạng khá hơn khi đối mặt với những chuyện không như ý muốn?
Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng không phải là bằng mọi cách để loại bỏ sự so sánh ra khỏi cuộc sống của bạn. Thay vào đó, điều tôi luôn cố gắng làm là chấp nhận những cảm xúc tự nhiên của chính mình và tìm cách để cảm thấy tốt hơn.
Ngày trước, tôi luôn nghĩ về những đặc điểm tính cách có phần “xấu xí” của bản thân và thấy hổ thẹn. Điều này chỉ khiến tôi càng thấy tệ hơn. Gần đây, tôi học cách chấp nhận bản thân như mình vốn có. Bằng cách chấp nhận, tôi đi đến một giai đoạn nhận thức mới. Đó là luôn nhắc nhở chính mình phải cố gắng vươn lên và làm tốt hơn nữa, thay vì để bản thân gục ngã trước những khiếm khuyết của chính mình. Khi cố gắng hết sức và sống trọn vẹn với những giá trị của mình, tôi thấy đủ đầy và an yên.
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.