Tôi là một người hướng nội (Introvert). Và điều mà những người lớn tuổi như ông bà, bố mẹ hay phàn nàn nhất về tôi đó là giao tiếp kém. Bà tôi nói: “Cái thằng ở hiệu thuốc, nó cũng 30 như mày, mới chuyển đến đây thôi nhưng đã quen hết làng trên xóm dưới. Còn vợ chồng nhà mày chẳng thấy bao giờ chơi với ai, như thế là không được”.
Không phải tôi bao biện, nhưng với hàng xóm, tôi luôn giữ thái độ chừng mực, chào hỏi lễ phép. Còn bảo tôi ngày nào cũng đi lê la ngồi mỗi nhà một tí, nói dăm ba câu chuyện không đầu không cuối, bàn tán về cuộc sống của những người hàng xóm khác không có mặt ở đó, tôi không làm được.
Tôi đọc được ở đâu đó một câu nói có ý thế này. Nếu đòi hỏi một người hướng nội phải kết giao với nhiều người hơn, gặp ai (dù xa lạ) cũng có thể tay bắt mặt mừng, thì giống như bạn đang nói với họ hãy từ bỏ bản thân mình. Tôi chấp nhận sự thật mình là một người hướng nội và không cố gắng thay đổi điều này để hài lòng người khác. Chỉ là tôi luôn cố gắng làm thế nào để biến hướng nội thành một thế mạnh của bản thân.
Rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới đã làm được điều này thành công. Có thể kể đến Albert Einstein, Abraham Lincoln, Eleanor Roosevelt, Barack Obama, Warren Buffett, Bill Gates, Meryl Streep, J.K Rowling, Elon Musk, Emma Watson, và còn nhiều người khác nữa.
Trên hành trình tìm hiểu, tôi muốn chia sẻ tất cả những điều tôi khám phá được trong series “Người hướng nội”. Series này không chỉ dành cho những ai hướng nội, mà cho cả những người hướng ngoại đang trong mối quan hệ với người hướng nội hay bất kỳ ai có nhu cầu tìm hiểu về người hướng nội.
Tôi hy vọng, những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn hiểu về bản thân mình nhiều hơn, hiểu người khác nhiều hơn. Từ đó, có thể trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất trong mối quan hệ với bản thân và những người xung quanh mà không mặc cảm, tự ti vì dám sống là chính mình.
Dấu hiệu của một người hướng nội
Carl Jung, nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ cho rằng không phải ai cũng hướng nội hoàn toàn. Bên trong mỗi người đều có cả phần hướng nội và hướng ngoại. Tuy nhiên, sẽ có phần hoàn toàn nổi trội hơn. Chính điều này sẽ quyết định bạn hướng nội hay hướng ngoại. Sẽ có một số người có sự dung hòa giữa cả hướng nội (introvert) và hướng ngoại (extrovert). Những người này được gọi là ambivert.
Tôi nghĩ mình là một người có tính cách hướng nội khá vượt trội so với hướng ngoại. Khi nghiên cứu về những dấu hiệu của người hướng nội, tôi như nhìn thấy toàn bộ tính cách của bản thân trong đó. Tôi nghĩ rằng, nếu bạn là một người có phần tính cách hướng nội, bạn sẽ có một trong số những đặc điểm như dưới đây.
Không thích tụ tập đông người
Tôi không thích những buổi gặp gỡ hay tham dự sự kiện có quá nhiều người. Nếu phải tham gia những sự kiện như thế này, tôi thường thấy khó chịu hoặc mệt mỏi để có thể duy trì cho đến cuối buổi. Tôi nghĩ để diễn tả đúng nhất về cảm giác này của mình, có thể phải mượn lời từ Charles Bukowski, “Tôi không ghét mọi người, chỉ đơn giản là tôi thấy thoải mái hơn khi không có nhiều người xung quanh”. Những lúc năng lượng xuống thấp, tôi thường phải tìm một góc yên tĩnh và thoáng đãng để bình tâm trở lại.
Khi tham dự những sự kiện như thế này, có một điều cũng khiến tôi bận tâm. Nếu người hướng ngoại có thể dễ dàng bắt đầu câu chuyện với một người mình chưa quen biết, tôi lại thấy rất khó khăn để mở lời. Tôi nghĩ đây không phải là một điều gì xấu. Nhưng có lẽ vì vậy mà mọi sự kiện với nhiều người lạ lại càng trở nên khó khăn với những người hướng nội như tôi.
Thích tận hưởng khoảng không gian yên tĩnh một mình
Tôi đã làm việc tại nhà được 7 tháng rồi nhưng chưa bao giờ thấy chán. Dù cho một ngày hiện tại của tôi cũng chỉ xoay quay xung quanh lũ trẻ và viết lách. Khi bọn trẻ chơi tự do ở phòng bên cạnh, tôi thực sự hạnh phúc vì được đắm mình vào công việc yêu thích, đọc sách và phát triển những dự án mới.
Tất nhiên, sẽ có những lúc tôi dành thời gian tư vấn cho mọi người, gặp gỡ họ hàng, bạn bè. Nhưng khi kết thúc những hoạt động này, tôi luôn muốn có một nơi yên tĩnh để nhìn nhận lại mọi điều và nạp năng lượng cho bản thân.
Chơi thân với một nhóm bạn nhỏ
Không phải cứ hướng nội thì sẽ ù lì, ít nói và không có bạn bè. Những người hướng nội cũng kết bạn nhưng họ thường có xu hướng gắn bó với những người bạn thực sự quan trọng với mình. Hiện tại, tôi vẫn có một nhóm bạn 5 người chơi thân từ cấp 2 và một nhóm bạn (cũng 5 người) chơi thân từ khi học Đại học.
Điểm đặc biệt là không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp nhau. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nhớ về nhau mỗi khi có điều gì đó cần chia sẻ. Có khoảng thời gian mỗi người một nơi, người trong Nam, người ngoài Bắc, người ra nước ngoài, rồi lập gia đình sinh con, chúng tôi chẳng giữ liên lạc thường xuyên hay tổ chức hội họp với nhau được nữa.
Tuy nhiên, mỗi khi gặp được nhau ngoài đời hay chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại (thi thoảng qua email), chúng tôi đều không thấy dấu hiệu của sự xa cách. Mọi cảm giác vẫn y nguyên như cái cách chúng tôi bên nhau hơn chục năm qua, không có gì thay đổi. Dù là kể về chuyện quá khứ hay nói về hiện tại đều vẫn tự nhiên và thoải mái.
Tôi nghĩ rằng, đây là một lợi thế của người hướng nội. Thay vì kết giao với rất nhiều người, những người hướng nội tập trung xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, bền vững với sự chân thành, nhiệt huyết và rất nhiều yêu thương.
Khó gần là điều mọi người hay nhận xét về bạn
Những người hướng nội thường được miêu tả là những người trầm lặng, dè dặt và nhiều khi là nhút nhát. Không chỉ thế, tôi còn hay được mọi người nhận xét là khó gần, dù tôi cũng không hiểu mình đã làm gì để mọi người nói như vậy.
Ngày trước, khi còn học cấp 1, cấp 2, tôi chơi hòa đồng với tất cả các bạn. Càng lớn, tôi càng hướng nội nhiều hơn và xu hướng kết bạn cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, tôi tự nhận thấy mình không có biểu hiện gì của việc khó gần cả. Nhưng có lần tôi nói chuyện với một người bạn thân của mình và biết được, có lẽ các bạn nghĩ như vậy là bởi tôi không bao giờ là người bắt chuyện trước.
Đúng là với những người chưa gặp lần nào, tôi không bao giờ mở lời trước. Không phải vì tôi không muốn, mà là vì ngại. Những người bạn mà tôi từng chơi thân thường cũng bắt đầu là do có điều gì đó bắt buộc ví dụ như phải làm chung bài tập nhóm. Có lý do, tôi mới làm quen được dễ dàng hơn (vì có chung chủ đề quan tâm). Cũng có trường hợp, chúng tôi bắt đầu thân nhau do làm quen với nhau trên mạng trước, sau đó đến lớp tự cảm thấy như đã thân quen rồi và không ngại ngùng khi bắt chuyện nữa.
Tôi nghĩ đây là điều rất nhiều người hiểu lầm về người hướng nội. Chắc chắn, họ cũng giống như tôi. Chỉ là vì không biết mở đầu thế nào, ngại ngùng không dám nói, chứ không phải do họ khó gần. Nếu gặp trường hợp như vậy, bạn hãy thử tiếp cận họ theo một cách khác xem sao!
Hay suy nghĩ và suy nghĩ một chuyện (dù nhỏ) cũng rất lâu
Không biết mọi người có những trải nghiệm như thế này không? Khi viết một tin nhắn, dù người nhận có là ai, tôi cũng mất rất nhiều thời gian. Tôi dành thời gian suy nghĩ thật kỹ, nhiều khi phải xóa đi xóa lại tin nhắn rất nhiều lần, trước khi có thể bấm nút “Send” gửi cho mọi người.
Tôi còn nghĩ, nếu viết chưa được một câu đã nhấn “Enter” rồi lại viết tiếp thì sẽ tạo ra nhiều tin nhắn. Như vậy, kể cả khi đối phương có để ở chế độ rung cũng sẽ phát ra nhiều âm thanh khá khó chịu, có thể ảnh hưởng đến họ. Vì vậy, tôi thường viết tất cả những điều muốn nói trong một lần. Nếu dài quá thì chia làm 2 đến 3 tin và gửi.
Nghĩ như vậy rồi, tôi lại còn nghĩ, có thể mọi người cũng không thích đọc dài, nên tôi cũng có một dòng xin lỗi trước nếu việc nhắn tin dài khiến đối phương cảm thấy bất tiện. Các bạn có thể thấy tôi kỳ lạ, nhưng đây chính là con người tôi. Hay suy nghĩ, rất nhiều và rất lâu, dù là những chuyện nhỏ nhất.
Đây có thể là một điểm mạnh và cũng là một điểm yếu. Tôi cũng đang trong quá trình học hỏi để tối ưu những điểm mạnh và loại bỏ những điểm yếu của phần tính cách này.
Thích viết hơn là nói
Trong mọi trường hợp, tôi đều thích kết nối thông qua viết, giống như kiểu qua tin nhắn hay email. Tất nhiên, ngoại trừ việc có quá nhiều điều cần trao đổi, như những buổi tư vấn 1:1 trong hiện tại.
Khi thực hiện những bài phỏng vấn cho Her, tôi cũng kết nối với tất cả các nhân vật qua email trước tiên. Phần lớn việc phỏng vấn cũng được thực hiện toàn bộ qua email vì nhiều khi, chính người được phỏng vấn cũng cảm thấy thoải mái với cách kết nối này.
Tất nhiên, khi làm việc, không phải tôi chỉ muốn nhắn tin và hạn chế nói chuyện. Tôi luôn lựa chọn những điều khách hàng muốn hoặc cảm thấy cần thiết. Rất nhiều người tôi gặp và hợp tác cũng là những người thích viết thay vì nói chuyện qua điện thoại. Tôi thấy điều này thật tuyệt vời.
Gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ mới
Tiến tới những người xa lạ và tự giới thiệu về bản thân mình kiểu như: “Chào bạn, mình là X. Mình đang là freelance writer. Mình làm quen nhé!….” là việc cực kỳ khó khăn đối với tôi. Tôi biết, trong nhiều trường hợp, chúng ta bắt buộc phải làm những điều này.
Bởi vậy, nếu không thể tránh khỏi, tôi luôn cố gắng mỉm cười trước khi tiến tới người khác, hít thở một hơi thật sâu và giới thiệu ngắn gọn nhất về mình. Tôi cũng không quên chuẩn bị một danh sách những câu hỏi đề phòng trường hợp không biết phải nói gì tiếp theo. Thật tuyệt nếu có thể tìm được một điểm chung nào đó. Như vậy sẽ dễ dàng hơn với tôi rất nhiều. Sau những cuộc gặp gỡ thế này, tôi luôn cần một khoảng thời gian yên tĩnh để sạc lại năng lượng cho bản thân.
Không thích chuyện phiếm
Tôi không thích những câu chuyện phiếm không đầu không cuối, chẳng đi đến đâu. Một người cô của tôi có thể dễ dàng bắt chuyện với tất cả mọi người dù cho đó là người xa lạ. Cô sẽ bắt đầu hỏi họ đến từ đâu, làm nghề gì, đang tìm ai, vân vân. Và rất nhanh nhạy khi bắt được một điểm tương đồng với mình. Ví dụ họ có mối quan hệ với cô hàng xóm X chẳng hạn. Ngay lập tức, câu chuyện được chuyển hướng sang cô X.
Sau một hồi nói chuyện cô X, chợt thấy anh Z đang chuyển hết đồ đạc ra ngoài của, cô có thể bỏ lại người đang nói chuyện với mình, sang hỏi thăm anh Z. “Nhà anh có chuyện gì thế ạ, sao nãy em thấy chị Y hớt hải chạy đi đâu?”. Rồi câu chuyện cứ thế, nhiều khi chỉ trong buổi chiều ngắn ngủi, cô có thể nói chuyện được với tất cả mọi người, từ đầu ngõ tới cuối ngõ. Bà luôn nhận xét cô là quảng giao và bảo tôi phải học tập theo cô.
Tôi lại không thích những cuộc nói chuyện như vậy, vì vốn không thích ồn ào và luôn ưu tiên thời gian dành cho bản thân. Với tôi, những cuộc chuyện phiếm như vậy không mang lại lợi ích gì cho mình và cho cả người khác. Tệ nhất, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến những cuộc cãi vã, bất hòa trong gia đình người khác.
Không phải tôi bài trừ những câu chuyện như thế này. Vì những cuộc đối thoại ngắn kiểu “small talk”, nếu biết cách tận dụng sẽ đem lại hiệu quả giao tiếp rất cao. Nhưng tôi nghĩ, dù nói chuyện gì, tôi cũng cố gắng tuân thủ nguyên tắc “không nói về người thứ 3 không có mặt”.
Có sự tự nhận thức cao
Người hướng nội thường dành thời gian cho bản thân, nhìn sâu vào bên trong nên có những trải nghiệm sâu sắc về chính bản thân mình. Có lẽ bởi vậy mà họ có được sự tự nhận thức cao.
Chính vì phần tính cách này, tôi đã bắt đầu The Introvert Writer là một blog với chủ đề hiểu về bản thân. Một trong những điều tôi hay làm nhất để hiểu rõ bản thân là viết nhật ký, đọc sách và dành thời gian một mình. Tôi hiểu được nhiều điều quan trọng với bản thân và cảm thấy trưởng thành hơn theo thời gian.
Phù hợp với những công việc tự do
Điều này thật dễ hiểu, vì người hướng nội thích một mình. Họ làm việc với sự tập trung cao độ nhất là khi làm việc độc lập. Chính vì lẽ đó, những nghề nghiệp có tính chất tự do là lựa chọn tuyệt vời nhất cho người hướng nội.
Đến khi hiểu được điều này, tôi mới nhận ra tại sao tôi cảm thấy không phù hợp với bất kỳ công việc nào trước đây. Vậy mà, kể từ khi gắn bó với viết lách tự do, tôi lại thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng, dù gặp rất nhiều khó khăn và đã nhiều lúc muốn bỏ cuộc.
Nếu bạn là người hướng nội, hãy cân nhắc thử các công việc như viết lách, lập trình máy tính, thiết kế đồ họa,…xem sao nhé!
Những dầu hiệu của người hướng nội trong bài viết này đều được tôi nghiên cứu từ những nguồn khác nhau cùng với việc soi chiếu vào chính bản thân mình. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những thiếu sót. Tôi rất hy vọng nhận được sự đóng góp của mọi người cho bài viết của mình để bài viết thêm phong phú. Và hy vọng các bạn có thể ủng hộ bằng cách chia sẻ hoặc để lại comment cho bài viết để tôi có thể tiếp tục hoàn thiện series “Người hướng nội” trong tương lai.
P/S: Để hiểu thêm về người hướng nội, bạn có thể tìm đọc hai cuốn sách:
- Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking – Susan Cain
- The Introvert Entrepreneur: Amplify Your Strengths and Create Success on Your Own Terms – Beth L. Buelow
Bài viết có tham khảo từ:
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.
Rất hay bạn, mình thì thấy tự do nhất là khi được yên tĩnh một mình, làm điều mình thích, và suy nghĩ về những điều mình thích làm ^^
Mình cũng có cảm nhận như vậy. Khi được yên tĩnh thì làm việc tập trung và hiệu quả hơn rất nhiều, chắc bởi do bản thân cảm thấy thoái mái, an yên. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này của mình nhé!