“Planning is bringing the future into the present so that you can do something about it now.” – Alan Lakein
Nhiều người nói với tôi rằng mục tiêu của họ là phát triển bản thân. Nhưng khi tôi hỏi kỹ hơn phát triển bản thân là phát triển những gì, cần phải làm gì và làm như thế nào để đạt được mục tiêu, thì hiếm ai có thể trả lời được rành rọt, rõ ràng.
Thay vì nói về mục tiêu phát triển bản thân một cách chung chung, có một kế hoạch phát triển bản thân sẽ cụ thể và hiện thực hóa những việc bạn cần làm. Bản kế hoạch giống như một công cụ chỉ đường đắc lực. Nó chỉ ra từng bước từng bước một bạn cần thực hiện để đi đến mục tiêu, kể cả việc cần rẽ ở đâu, sẽ đối mặt với chướng ngại vật nào và cần phải hành động ra sao trên con đường phía trước.
Để rồi, điều duy nhất bạn phải làm chỉ là bắt tay vào hành động theo kế hoạch. Cuộc đời bạn sẽ không còn mù mịt, mất phương hướng. Ngược lại, sẽ càng sắc nét và hứa hẹn hơn bao giờ hết.
Lựa chọn của bạn là gì?
Bạn có muốn hoàn thành một bản kế hoạch phát triển bản thân cho riêng mình sau khi đọc xong bài viết này?
Kế hoạch phát triển bản thân là gì?
Kế hoạch phát triển bản thân giống như một dự án cá nhân bạn thiết kế riêng cho cuộc đời mình. Trong đó sẽ bao gồm các mục tiêu khả thi và kế hoạch hành động hiệu quả, chi tiết hướng tới mục tiêu.
Mục tiêu của dự án này có thể liên quan tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống từ các mối quan hệ gia đình, bạn bè, sự nghiệp cho đến việc phát triển kỹ năng, chăm sóc đời sống tinh thần, sức khỏe thể chất,…
Đặc biệt, mục tiêu bạn đưa ra cần rõ ràng tỉ mỉ, chứ không chỉ là những điều chung chung như kiếm thật nhiều tiền, có thêm nhiều mối quan hệ, học thêm nhiều kỹ năng,…
Bản kế hoạch phát triển bản thân đóng vai trò như một lộ trình chi tiết hướng dẫn bạn trong suốt hành trình cuộc sống và là tấm bản đồ dẫn đường đến thành công.
Một trong dạng thức của kế hoạch phát triển bản thân bạn thường gặp đó là New Year Resolution. Tuy nhiên, vẫn còn những cách khác để lập kế hoạch rõ ràng hơn mà bạn có thể tìm thấy trong bài viết này.
Tham khảo: New Year Resolution
Tại sao bạn cần một kế hoạch phát triển bản thân?
Có một kế hoạch phát triển bản thân rõ ràng, tỉ mỉ, chi tiết sẽ mang đến cho bạn khá nhiều lợi ích:
- Đầu tiên, chúng sẽ hiện thực hóa những giấc mơ của bạn.
- Giúp bạn hiểu hơn về bản thân, những điểm mạnh, điểm yếu của mình và dựa vào đó để thiết kế hành động phù hợp.
- Giúp bạn biết đặt ra ưu tiên trong cuộc sống để tập trung vào đó, tránh xao nhãng khiến bạn đi chệch hướng.
- Giúp bạn có đặt ra một thời hạn cụ thể để theo đuổi mục tiêu tỉnh thức hơn.
- Giúp bạn có trách nhiệm về thành công và thất bại của bản thân. Dù không phải cứ có kế hoạch là sẽ bảo đảm cho thành công. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ giúp bạn hành động, theo dõi tiến trình và thực hiện điều chỉnh phù hợp để chạm tay gần hơn với ước mơ. Theo một nghiên cứu của nhà tâm lý học Gail Matthews, những người viết ra mục tiêu có khả năng thành công hơn 33% so với những ai không viết ra mục tiêu của họ.
- Tạo động lực giúp bạn tiến lên phía trước.
- Giúp bạn tự tin hơn, giảm thiểu căng thẳng vì suy nghĩ quá nhiều, quá xa và tạo được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Bạn có thể lập ra một kế hoạch phát triển bản thân dựa trên 7 gợi ý về các lĩnh vực chủ chốt của cuộc sống dưới đây.
- Mối quan hệ
- Sức khỏe thể chất
- Cảm xúc & Sức khỏe tinh thần
- Sự nghiệp
- Tài chính
- Kỹ năng & Kiến thức
- Giải trí
Lập kế hoạch phát triển bản thân như thế nào?
Bước 1: Mơ ước và mong muốn
Hãy bắt đầu việc lập kế hoạch có vẻ khô khan, nhàm chán bằng một điều làm bạn phấn khích. Chọn cho mình một góc thật “chill”, để cho tâm trí lãng đãng và mơ mộng không giới hạn về tất cả những điều bản thân luôn khao khát.
Bạn có thể gọi đó là bucket list, hay chỉ đơn giản là một danh sách liệt kê tất cả ước mơ. Dù cho đó là những gì điên rồ nhất, những thứ bạn nghĩ bản thân sẽ không thể với tới hay những điều bạn không dám thổ lộ với ai. Bất kể đó là gì, đừng giới hạn trí tưởng tượng của bạn.
Lưu ý: Đừng chỉ nghĩ và để chúng trong đầu mà hãy ghi chép lại trong sổ tay, nhật ký hay ứng dụng điện thoại.
Bước 2: Đánh giá tình trạng hiện tại của bản thân
Giờ thì hãy gác mơ ước sang một bên và quay trở lại với hiện tại để xem mình có những gì. Bạn có nhớ khi mua sắm món đồ gì đó bạn cực kỳ thích nhưng có mức giá đắt đỏ, bạn có nhìn vào ví tiền để cân đối tình trạng tài chính hiện tại? Bạn đang có bao nhiêu tiền? Bạn có thể mua đứt? Liệu có cách nào khác để mua nếu bạn không có đủ tiền? Nếu có thể trả góp, bạn sẽ trả góp với tỉ lệ bao nhiêu? Có rủi ro gì khi bạn lựa chọn phương án đó?….
Tương tự như vậy, bây giờ là lúc bạn cần “trở về mặt đất” để xem xét tình trạng hiện tại của bản thân. Tốt nhất là bạn hãy làm một bản đánh giá SWOT (SWOT đại diện cho Strengths – Weaknesses – Opportunities -Threats).
Sau đó hãy sử dụng bản đánh giá này như một công cụ định hướng để tạo ra một kế hoạch hoàn hảo, có thể tận dụng tối đa điểm mạnh và loại bỏ (hoặc) cải thiện điểm yếu.
Một vài câu hỏi được Brian Tracy gợi ý để thực hiện bản đánh giá này mà bạn có thể sử dụng:
Strengths
- Điều gì khiến bạn khác biệt so với những người khác?
- Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì?
- Mọi người thường khen ngợi bạn về điều gì?
- Mọi người thường nhờ bạn giúp đỡ những vấn đề gì?
- Điều gì ở bản thân khiến bạn tự hào?
- Những giá trị nào là quan trọng đối với bạn?
Weaknesses
- Bạn thường tránh làm điều gì vì cho rằng mình không thể làm được?
- Bạn thường trì hoãn những việc gì?
- Kỹ năng, kinh nghiệm hoặc trình độ học vấn của bạn đang ở vị trí nào?
- Bạn thiếu những nhân tố, kỹ năng, nguồn lực nào?
- Những lĩnh vực nào bạn thấy cần phải cải thiện?
- Điều gì ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công việc hoặc mối quan hệ của bạn với những người khác?
Opportunities
- Ứng dụng, công cụ, kỹ thuật, công nghệ nào có thể giúp bạn đạt được mục tiêu?
- Bạn có khả năng thăng tiến hay tăng lương ở nơi làm việc hay không?
- Ai có thể giúp bạn đạt được mục tiêu?
- Những thay đổi nào đang xảy ra hoặc dự kiến sẽ xảy ra trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân của bạn?
- Hội nghị, sự kiện, lớp học nào sẽ có ích với bạn và đang sẵn sàng để bạn tham gia?
- Bạn có thể học hỏi và cải thiện được những gì từ thất bại của đối thủ?
Threats
- Đâu là yếu tố cản trở sự tiến bộ của bạn?
- Điểm yếu nào có thể là mối đe dọa với bạn?
- Bạn thiếu những kỹ năng, kiến thức, nguồn lực nào để vượt qua khó khăn, thử thách?
Bước 3: Viết mục tiêu và quyết định thời hạn hoàn thành
Sau khi xem xét ước mơ và tình trạng thực tế của chính mình, bạn cần quyết định và viết ra 7 mục tiêu quan trọng nhất trong 7 lĩnh vực của cuộc sống (như đã nói ở phía trên hoặc có thể phân chia thành các khía cạnh khác theo ý kiến chủ quan của bạn).
Các mục tiêu mà bạn nghĩ đến có thể là những mục tiêu to lớn trong dài hạn hoặc ngắn hạn. Bạn có thể chia nhỏ thành những mục tiêu khả thi hơn cho ngày, tuần, tháng, năm. Với mỗi mục tiêu cụ thể, hãy đặt ra cho chúng một mốc thời gian hoàn thành để bạn có thể theo dõi và đánh giá tiến trình khách quan và hiệu quả nhất. Bạn cũng có thể sử dụng mô hình S.M.A.R.T để đặt mục tiêu cho bản thân.
Chú ý:
Đừng quên ghi rõ lý do khiến bạn theo đuổi mục tiêu và cái giá bạn sẵn sàng trả để đạt được ước mơ.
Bên cạnh mỗi mục tiêu, hãy trả lời câu hỏi tại sao bạn lại muốn đạt được mục tiêu đó? Điều đó có ý nghĩa gì với cuộc sống của bạn? Hiểu rõ điều này sẽ giúp bạn biết được đâu là động lực mạnh mẽ có thể giúp bạn băng qua muôn vàn khó khăn thử thách phía trước.
Ngoài ra, lường trước cái giá phải trả sẽ giúp bạn kiên định hơn với những mục tiêu của mình. Sự chuẩn bị kỹ càng này sẽ là liều thuốc nhắc nhở bạn những khi chán nản buông xuôi và muốn bỏ cuộc giữa chừng.
Tham khảo: Đặt Mục Tiêu Hiệu Quả Để Biến Ước Mơ Thành Sự Thật
Bước 4: Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên
Chắc hẳn bạn sẽ có nhiều mong muốn cho mọi khía cạnh của đời sống. Nhưng thực tế là, trong cùng một thời điểm, bạn sẽ không thể hoàn thành tất cả mọi ước mơ. Đặt ra thứ tự ưu tiên là bước đi thông minh giúp bạn tập trung toàn bộ sức lực để đạt được điều quan trọng và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời.
Bước 5: Lên kế hoạch hành động
Lên mục tiêu thôi chưa đủ, bạn cần phải có kế hoạch hành động cụ thể hướng đến mục tiêu. Những hành động này được chia nhỏ nhất có thể, vừa dễ dàng nhưng cũng vừa thách thức đủ để hấp dẫn bạn thực hiện.
Kế hoạch này có thể gồm những nhiệm vụ đơn giản, thời hạn làm việc, các bước để tiến đến mục tiêu. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập những thói quen chủ chốt, chỉ ra những tài liệu hoặc nguồn lực cần thiết cho quá trình thực thi ý tưởng của mình.
Ví dụ: Nếu mục tiêu của bạn là kiếm được công việc viết tự do đầu tiên trong một tháng tới. Bạn có thể đặt một số mục tiêu nhỏ hơn như tạo blog cá nhân; viết 8 bài viết về các lĩnh vực bạn hướng đến như tài chính cá nhân, viết lách kiếm tiền,…(8 bài viết này bạn có thể đăng lên blog và sử dụng chúng như là sample để gửi khách hàng); tìm kiếm khách hàng; pitching trực tiếp; kết nối với những cây viết khác;…
Từ đây, bạn có thể chia nhỏ thành mục tiêu theo ngày. Có thể, bạn dự định sẽ hoàn thành một bài viết trong vòng 4 ngày. Trong đó ngày đầu tiên sẽ thực hiện nghiên cứu, ngày thứ hai lên outline và viết nháp, ngày thứ 3 dành cho phần biên tập bài viết và ngày thứ 4, bạn sẽ gửi cho một người có kinh nghiệm hơn trong ngành mà bạn quen để nhờ họ nhận xét thêm về bài viết và thực hiện biên tập lần cuối nếu cần thiết.
Trên hành trình thực hiện, có thể bạn sẽ cần thêm những kiến thức về làm blog hay viết lách hoặc cần thêm người tư vấn giúp đỡ. Bạn có thể thêm vào những chú ý này vào phần nguồn lực (một cách chi tiết) để khiến kế hoạch được rõ ràng, mạch lạc hơn.
Tham khảo:
- Xây Dựng Thói Quen Chủ Chốt Thay Đổi Vận Mệnh Cuộc Đời
- Lập Kế Hoạch Một Ngày Thế Nào Để Làm Chủ Công Việc Và Cuộc Sống
Bước 6: Đánh giá quá trình thực hiện và cải tiến (nếu cần)
Trong quá trình thực hiện mục tiêu, hãy cố gắng dành buổi tối cuối ngày để nhìn lại và đánh giá tiến trình thực hiện. Việc đánh giá này cũng có thể được thực hiện mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi quý. Bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi như:
- Điều gì bạn đang làm tốt và cần phát huy? Hãy nhân lên nhiều những việc làm như vậy.
- Điều gì bạn cần tập trung cho ngày mai, tuần tới, tháng tới? Hoàn toàn tập trung vào những điều đó và gạt bỏ xao nhãng khỏi cuộc sống của bạn.
- Bạn thấy quá khó khăn? Nếu có, hãy điều chỉnh lại mức độ của những hành động liên quan.
- Bạn thấy quá căng thẳng và mệt mỏi? Nếu có, hãy điều chỉnh cho phù hợp bằng cách thay đổi hoặc mạnh dạn loại bỏ. Tuy nhiên, trước khi quyết định dừng lại hay đi tiếp hãy nhìn lại cột lý do và cái giá phải trả để đánh giá khách quan nhất.
- Bạn thấy quá nhàm chán? Nếu có, hãy tăng độ khó của những nhiệm vụ, thêm vào những việc khiến bản thân sợ hãi, hoặc những điều khiến bạn hào hứng hơn.
- Bạn thấy không có động lực để phấn đấu? Nếu có, treo giải thưởng hấp dẫn, tham gia cộng động những người cùng chung mục tiêu để gia tăng động lực cho bản thân.
- Bạn thấy khó khăn để tập trung hoàn thành mục tiêu? Nếu có, hãy cố gắng kỷ luật hơn với chính mình và rèn luyện sự tập trung trong công việc và cuộc sống.
Tham khảo: Làm Gì Khi Bạn Chán Nản Buông Xuôi Và Muốn Bỏ Cuộc?
Bước 7: Lặp lại quá trình trên
Có ai đã từng nói cuộc đời chính là một chuỗi các dự án cá nhân liên tiếp. Chính vì thế, bạn cần liên tục nhìn nhận, xem xét để thực hiện điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, theo dõi, đánh giá, sửa đổi cho đến khi đạt được mục đích của mình. Cứ như vậy, bạn sẽ càng đi nhanh và đi xa hơn.
Nếu vẫn còn băn khoăn trong việc hình thành mục tiêu và thiết lập kế hoạch hành động phù hợp, hãy download “Personal Development Plan Template & Checklist” hoàn toàn miễn phí từ The Introvert Writer nhé!
Chúc bạn luôn “chân cứng đá mềm” trên con đường phía trước!
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.