Dù bản thân không phải là người gặp khó khăn về tài chính, tôi lại là người mang trong mình nhiều nỗi lo. Từng có khoảng thời gian tôi lo sợ đủ điều. Tôi lo đến một thời điểm nào đó trong tương lai không thể kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống. Tôi sợ bản thân không có bảo hiểm, thời gian về hưu sẽ không được an nhàn? Khi đã có con, tôi căng thẳng khi nghĩ đến việc mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất? Tôi không biết phải tích lũy ra sao để dự phòng trường hợp bố mẹ già yếu cần giúp đỡ về tài chính?
Nếu bạn cũng có những nỗi lo tài chính tương tự, tôi nghĩ rằng việc nhận diện nỗi sợ hiện hữu và học cách vượt qua là một điều quan trọng, giúp bạn sống thoải mái, tự do và hạnh phúc hơn.
Những nỗi lo tài chính phổ biến trong cuộc sống
Nghỉ hưu
Một nghiên cứu cho thấy 59% người dân Mỹ lo lắng rằng họ không có tiền để nghỉ hưu. 48% còn lại sợ rằng không thể tiết kiệm đủ cho quãng thời gian hưu trí của mình. Ở Việt Nam, có lẽ một bộ phận lớn người dân cũng có những nỗi sợ hãi khi nghĩ về tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là phụ nữ.
Vậy làm thế nào để có thể xua tan đi nỗi lo này? Gợi ý dành cho bạn là hãy suy nghĩ lại về định nghĩa nghỉ hưu của mình. Hiện nay, có rất nhiều người “nghỉ hưu” nhưng họ vẫn không ngừng làm việc. Họ định nghĩa hưu trí là khoảng thời gian mà họ được tự do theo đuổi những việc yêu thích và làm cho phần đời còn lại của bản thân trở nên có ý nghĩa. Chỉ cần vẫn có thể tạo ra thu nhập, gánh nặng hưu trí trong hiện tại của bạn cũng được giảm bớt.
Bây giờ, hãy viết ra tất cả những sở thích của mình và tìm hiểu xem làm thế nào để có thể tạo ra thu nhập từ đó. Ngoài ra, cũng đừng quên tiết kiệm dù là số tiền nhỏ nhất và bắt đầu học cách đầu tư khoản tiền của mình. Tất cả sẽ giúp ích rất nhiều cho quãng thời gian cuối đời của bạn.
Đột ngột mất việc
Không có gì là an toàn trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Covid-19 bất ngờ càn quét khiến nhiều doanh nghiệp lớn cũng phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Bạn có thể mất việc bất kỳ lúc nào. Bởi vậy nỗi lo thất nghiệp có lẽ luôn thường trực trong mỗi chúng ta. Nếu như bạn không chuẩn bị tiềm lực tài chính cho bản thân, bạn rất dễ rơi vào khủng hoảng. Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn bắt đầu học cách “quản trị rủi ro”.
Kể cả khi bạn chưa có một mức thu nhập tốt, hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất 10% tiền lương của mình. Sau đó, dần dần tích lũy cho mình một quỹ dự phòng khẩn cấp có thể duy trì được ít nhất 3-6 tháng sinh hoạt phí của bản thân. Nhờ vậy bạn có thêm thời gian cho bản thân để tìm kiếm một công việc mới.
Ngoài ra, hãy liên tục trau dồi kỹ năng của mình để trở thành người không thể thay thế trong công việc. Như vậy, dù nhu cầu xã hội có thay đổi, bạn vẫn có thể dễ dàng tìm được chỗ đứng cho bản thân mình. Trong hiện tại, bạn cũng có thể cân nhắc bắt đầu một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Càng đa dạng hóa nguồn thu nhập, bạn sẽ càng vững vàng hơn trước sóng gió.
Vận hạn bất ngờ
Chúng ta không bao giờ mong muốn những việc không may xảy ra trong cuộc đời mình. Nhưng không ai trong chúng ta có thể lường trước tương lai. Bởi vậy, dự phòng rủi ro trong tài chính là một điều bắt buộc. Luôn chuẩn bị kịch bản cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là một trong những bước đi thông minh bạn nên thực hiện.
Thử đặt mình vào những trường hợp xấu nhất để thử thách khả năng giải quyết của bản thân. “Liệu trong hoàn cảnh đó, mình sẽ giải quyết thế nào?” và chuẩn bị 2 đến 3 phương án dự phòng cần thiết.
Nếu có thể, hãy tham gia ít nhất một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột trong gia đình. Khi có những biến cố không may xảy đến, sự trợ giúp từ bảo hiểm sẽ vô cùng quý giá đối với những thành viên còn lại.
Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc lập di chúc và cất giữ những giấy tờ liên quan đến tài sản vào một nơi an toàn. Ngày nay, nhiều người không còn kiêng kị việc lập di chúc. Một số cặp vợ chồng đã bắt đầu lập di chúc để lại thừa kế cho con (hoặc những người thân của mình) ngay từ khi có con đầu lòng. Những giấy tờ này giúp bảo đảm tương lai cho con cái và người thân của bạn, đồng thời hạn chế những tranh chấp không cần thiết.
Ly hôn
Khi kết hôn, ai cũng muốn có thể đi cùng nửa kia cho đến hết đời. Nhưng cuộc đời lại lắm éo le, không phải cuộc hôn nhân nào cũng được như ý muốn. “Cẩn tắc vô áy náy”, nhiều người không quên chuẩn bị phương án dự phòng cho bản thân, nhất là với những ai không có sự tự chủ về tài chính. Bởi một khi bạn ly dị, bạn sẽ đối mặt với khủng hoảng tài chính không lường trước được.
Điều ai cũng nên làm là đối thoại rõ ràng với nửa còn lại về vấn đề tài chính. Trung thực về tất cả mọi vấn đề, nhất là quan điểm về tiền bạc, chi tiêu và tài chính nói chung. Sau đó, hai bạn nên có một bản thỏa thuận về nghĩa vụ và tài sản trước hôn nhân. Như vậy nếu thực sự có những chuyện không hay xảy đến, bạn luôn có những văn bản pháp lý có thể bảo vệ bản thân trước pháp luật. Đây là chuyện khó khăn không phải ai cũng muốn thực hiện, nhưng lại ý nghĩa và cần thiết đối với mọi người.
Tương lai của con
Khi có con, chắc chắn bạn sẽ muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Giáo dục là một phần trong những mong muốn đó. Bạn muốn con được trải nghiệm nền giáo dục tốt nhất để đảm bảo cho tương lai vững chắc sau này. Bởi vậy, số tiền tiết kiệm cho giáo dục của con (đặc biệt là khoản tiền cho con học đại học) có lẽ sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Nếu bạn vẫn đang làm việc cật lực mà kiếm bao nhiêu là hết bấy nhiêu, nỗi lo này sẽ là áp lực lớn đè nặng lên hai vợ chồng. Liệu bạn có thể làm gì để vượt qua nỗi sợ hãi này?
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần buông tay. Với con cái, khi bé thơ, con cần vòng tay yêu thương vỗ về của cha mẹ. Nhưng càng lớn lên, con sẽ muốn được tự do khám phá và trải nghiệm thế giới bên ngoài của mình. Chúng ta nên khuyến khích và động viên để con có cơ hội học hỏi và tự đứng trên đôi chân của mình.
Đại học chính là cột mốc đánh dấu tự lập và tự do. Nếu con thực sự muốn đi học mà vượt quá khả năng chu cấp của chúng ta, hãy để cho con làm chủ cuộc đời mình. Định hướng cho con cái tìm đến sự trợ giúp từ các nguồn học bổng, tìm kiếm những cơ hội khác phù hợp hơn hoặc để con tự lập kiếm những đồng tiền đầu tiên trang trải phần nào học phí.
Kể cả khi con không muốn học đại học mà muốn học nghề, gap year, khởi nghiệp, theo đuổi đam mê, điều duy nhất chúng ta có thể làm là luôn ở bên, ủng hộ và cổ vũ cho con. Còn lại, hãy để con được tự do quyết định cuộc đời của mình và phấn đấu vì những gì con mơ ước.
Phụng dưỡng bố mẹ
Khi cuộc sống bắt đầu có chút ổn định, thi thoảng bạn sẽ lo lắng về tương lai sau này của bố mẹ mình. Nếu bố mẹ hai bên gia đình đều có thu nhập tốt, nỗi lo sẽ bớt đi phần nào. Nhưng nếu bố mẹ bạn không có lương hưu, cũng không có tiết kiệm, gánh nặng tài chính này biết phải chia sẻ ra sao?
Có lẽ bạn nên ngồi lại và nói chuyện với bố mẹ của mình về tình trạng tài chính của họ. Đây có thể sẽ là một cuộc nói chuyện khó khăn. Vì vậy, hãy bắt đầu một cách tự nhiên bằng việc hỏi họ một vài lời khuyên hay quan điểm về tài chính. Dần dần có thể khéo léo lồng ghép những câu hỏi về những vấn đề họ đã/đang gặp phải.
Sau khi tìm hiểu được phần nào, bạn cũng có thể nghĩ ra một vài cách giúp đỡ tinh tế. Giúp đỡ không hẳn là về tiền bạc. Bạn có thể giúp bố mẹ của mình nâng cao nhận thức về tài chính bằng cách tặng họ một cuốn sách hay rủ họ cùng tham gia một khóa học nào đó.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gợi ý cho bố mẹ những các quản lý chi tiêu tốt hơn. Ví dụ, bạn kể chuyện về những người bạn đã từng gặp (mà có thể bố mẹ cũng biết) đã nghỉ hưu (hay chuẩn bị nghỉ hưu) như thế nào. Câu chuyện này cũng có thể đi kèm những gợi ý mà bạn muốn đưa ra. Bạn cũng có thể giúp bố mẹ kết nối thêm những mối quan hệ có ích cho việc quản lý tài chính. Chỉ cần biết được bố mẹ cần gì, bạn sẽ có cách để giúp, phải vậy không?
Trên đây là những nỗi lo tài chính phổ biến nhất tôi nghĩ chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng một lần nghĩ đến. Nhận thức được nỗi sợ sẽ giúp bạn tìm cách vượt qua thay vì để chúng điều khiển và gây ra căng thẳng cho bản thân. Hy vọng những gợi ý trên đây có thể giúp bạn tự tin trên con đường tài chính phía trước như chúng đã từng phát huy tác dụng với chính cuộc sống của tôi.
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.