“If you don’t write when you don’t have time for it, you won’t write when you do have time for it.”
–Katerina Stoykova Klemer
Một trong những khó khăn lớn nhất mà nhiều người viết thường gặp phải đó là hình thành và duy trì thói quen viết dù không có nhiều thời gian.
Nhưng bạn có biết không, mình đã từng viết khi vừa phải chăm sóc con nhỏ, một bạn mới 16 tháng tuổi và một bạn 3 tuổi. Nhiều học viên của mình viết khi vẫn còn phải đi làm việc full time từ sáng đến tối muộn. Điển hình có bạn còn vừa làm việc full time, vừa viết, vừa chăm sóc con nhỏ dưới 4 tuổi.
Dù bận rộn thế nào, nếu bạn thực sự yêu thích viết lách và có mong muốn mãnh liệt phát triển kỹ năng viết, bạn sẽ tìm ra khoảng thời gian quý giá dành cho việc viết.
Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn các cách thức giúp bạn tạo ra thêm nhiều khoảng thời gian chất lượng để đầu tư phát triển kỹ năng viết của bản thân.
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, mình muốn bạn hãy ghi nhớ một điều, không phải bạn không có đủ thời gian để viết, mà bạn luôn có dư thời gian dành cho việc viết, chỉ cần đó là việc bạn thật sự muốn. Hãy ghi nhớ niềm tin này xuyên suốt hành trình viết của mình nhé.
Sau đây là một vài gợi ý bạn có thể sử dụng để TẠO RA THỜI GIAN cho việc viết.
Rà soát lại lịch trình một ngày của bạn
Dành ra khoảng một tuần ghi chép lại quá trình sử dụng thời gian trong ngày của bản thân, thật chi tiết, cụ thể càng tốt. Ví dụ như bạn thức dậy lúc mấy giờ, sau đó làm gì mất bao nhiêu thời gian, tiếp theo bạn làm gì vào lúc nào trong bao nhiêu lâu,…cho đến hết ngày.
Sau bảy ngày, bạn có thể phần nào nhận ra thói quen sử dụng thời gian của mình. Cụ thể hơn, bạn đã sử dụng khoảng bao nhiêu thời gian để ngủ, để làm việc, học tập, vui chơi, hay cho các vấn đề cá nhân khác? Có một cái nhìn cụ thể về cách sử dụng thời gian của bản thân sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng để tạo ra nhiều thời gian hơn cho việc viết.
Ví dụ: Một nghiên cứu cho thấy một người trưởng thành dành trung bình khoảng 2 giờ 27 phút cho mạng xã hội. Nếu cắt bỏ hoàn toàn khoảng thời gian này, hoặc chỉ một nửa, bạn cũng có được 1 giờ đến 2 giờ mỗi ngày để thực hành phát triển kỹ năng viết.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng con người dành khoảng hơn 8 tiếng để ngủ, nếu thực sự không còn khoảng thời gian nào khác, bạn có thể cân nhắc dậy sớm hơn 15 phút và ngủ muộn hơn 15 phút mỗi ngày để có thêm thời gian để viết.
Coi bản thân là người viết và thói quen viết là ưu tiên hàng đầu
Đừng ngại ngần gọi bản thân là người viết. Trong cuốn Atomic Habits của James Clear có một định nghĩa về Identity-based Habits (tạm dịch: thói quen dựa trên danh tính). Để giải thích cho định nghĩa này, James Clear kể câu chuyện về hai người đang cố gắng bỏ thuốc lá.
Khi được mời hút thuốc, người đầu tiên nói: “Tôi đang cố gắng bỏ thuốc”. Trong khi đó, người thứ hai trả lời: “Tôi không hút thuốc”. Dù đều là người hút thuốc và đang cố gắng bỏ thuốc, nhưng nếu định vị bản thân như một người không hút thuốc, người thứ hai có thể dễ dàng từ bỏ thói quen hút thuốc của mình hơn người thứ nhất.
Tương tự như vậy, nếu định nghĩa bản thân là người viết, gọi công việc chính của mình là viết và đặt ưu tiên cho việc này lên trước hết, bạn sẽ có xu hướng thực sự hành động để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Hôm nay bạn hãy thử hỏi bản thân liệu bạn có thực sự coi viết như một công việc quan trọng hàng đầu của mình hay chưa?
Nếu chưa, đã đến lúc bạn thay đổi nếu muốn thực sự trở thành một người viết chuyên nghiệp.
Đặt mục tiêu nhỏ
Mình gợi ý bắt đầu với mục tiêu hình thành và duy trì thói quen viết hàng ngày trong ít nhất 30 ngày sắp tới. Bạn không cần ngay lập tức phải yêu cầu bản thân phải bỏ ra 1 tiếng đến 2 tiếng để viết. Hãy bắt đầu nhỏ và nâng dần mục tiêu của mình lên theo thời gian và khả năng phát triển của bản thân.
Bạn có thể bắt đầu với 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm, buổi trưa trong giờ nghỉ hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Hãy thêm khoảng thời gian này làm lịch trình cố định của bạn và tuyệt đối tuân thủ chúng.
Đừng coi thường 30 phút viết mỗi ngày. Nếu viết đều đặn trong 30 ngày, bạn sẽ có 900 phút viết tương đương với 60 giờ viết liên tục. Josh Koffman từng chia sẻ chỉ cần 20 tiếng để có thể hiểu hơn về một kỹ năng, vâỵ nếu có 60 giờ viết (900 phút) liên tục chắc chắn bạn có thể cải thiện kỹ năng viết của mình.
Đặc biệt đừng cố gắng yêu cầu bản thân phải hoàn thành cả một bài viết, đôi khi chỉ cần thực hành viết tiêu đề cho bài viết, như gợi ý phía dưới này của mình hoặc viết phần mở bài, thân bài, hoặc kết luận. Mục đích để bạn thấy thoải mái và dần làm quen với việc viết.
Chuẩn bị trước gợi ý viết
Dù đã ngồi vào bàn, đôi khi bạn vẫn đối mặt với việc nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng mà không biết phải viết gì. Điều này gây cản trở cho quá trình viết của bạn. Vì vậy hãy chuẩn bị cho mình một danh sách các chủ đề bạn yêu thích để có thể triển khai bài viết của mình ngay lập tức.
Để giải quyết tình trạng này, có rất nhiều lựa chọn cho bạn. Bạn có thể sử dụng phần mềm gợi ý viết, lên danh sách ý tưởng viết hoặc thậm chí lập kế hoạch nội dung cho việc viết hiệu quả hơn.
Bạn có thể tham khảo những writing prompts thú vị để viết hoặc tải về tại đây bằng cách chọn “Tệp” → “Tạo bản sao”.
Đọc thêm:
- “Chiếc Túi Thần Kỳ” Mang Đến Nguồn Ý Tưởng Không Giới Hạn Cho Bạn
- Hướng Dẫn Lên Kế Hoạch Nội Dung Blog Đơn Giản Và Hiệu Quả Cho Người Mới Bắt Đầu
Viết dàn ý trước
Nhiều bạn yêu thích việc tự do viết mà không có cho mình một dàn ý cụ thể nào. Thực ra, việc này không có gì là sai. Tuy nhiên, với những người mới bắt đầu, hoặc những người đang gặp vấn đề về việc duy trì thói quen viết, lập dàn ý sẽ mang lại cho bạn nhiều ích lợi so với việc viết tự do.
Chuẩn bị trước những ý chính định chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề không biết triển khai bài viết như thế nào. Không những vậy, bạn còn có thể tổ chức bài viết một cách bài bản, logic thay vì viết theo cảm hứng để rồi không biết mình cần nói gì tiếp theo hay đôi khi lại vòng vo quay trở về ý ban đầu.
Bạn cũng có thể dễ dàng đối chiếu với những gì mình muốn triển khai để đảm bảo việc truyền tải đúng, đủ và hiệu quả thông tin. Việc biên tập bài viết chính vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn với những ai đã có một dàn ý trước khi bắt tay vào viết.
Tham gia cộng đồng viết
Một cộng đồng dù nhỏ nhưng khiến bạn thấy thoải mái khi tham gia và chia sẻ bài viết của mình sẽ giúp bạn tạo động lực và vượt qua khó khăn trên hành trình viết phía trước.
Học hỏi một kỹ năng không phải là chuyện có thể thành công ngay lập tức. Chính vì sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách, đặc biệt trong giai đoạn mới bắt đầu, khi bạn cần nhiều thời gian mới bắt đầu nhìn thấy thành quả từ những nỗ lực của mình nên bạn càng cần nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời.
Cộng đồng và sự hiện diện, nỗ lực của các thành viên trong cộng đồng cũng như sự ủng hộ của họ là vũ khí sắc bén giúp bạn vượt qua giai đoạn này hiệu quả hơn.
Viết ngay cả khi bạn không có cảm hứng
Nếu cứ ngồi chờ cảm hứng đến thì có lẽ mình không thể hoàn thiện được bài viết này. Cũng như nhiều cây viết nổi tiếng trên thế giới không thể cho ra đời những tác phẩm xuất sắc của họ vậy.
Trên thực tế, bắt tay vào viết kể cả khi bạn không có cảm hứng chính là cách mang cảm hứng viết tự nhiên đến với bạn.
Mình đã thử cách này rất nhiều lần và luôn luôn thấy hiệu quả. Dù ngày hôm đó mình không có tâm trạng gì để viết, nhưng mình vẫn ngồi vào bàn và bắt đầu với “Mình không có ý tưởng gì cả. Mọi thứ cứ mông lung ở trong đầu và mình không biết bắt đầu từ đâu để có thể khai thác hiệu quả chủ đề này. Mình nghĩ về việc….”
Cứ như thế, bộ não dường như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đem cảm hứng đến và giúp mình hoàn thành bài viết, đến mức trong một khoảnh khắc mình không nhận ra bản thân đã vượt qua khó khăn ban đầu và thực hiện xong nhiệm vụ đề ra.
Xây dựng quy trình viết hiệu quả cho bản thân
Mình luôn quan niệm good writing đến từ good thinking. Nếu tư duy của bạn rõ ràng, logic thì những gì bạn viết ra cũng chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, trong các khóa học viết của mình, thay vì sửa từng từ từng câu của học viên (cách diễn đạt tạo nên sự khác biệt của họ), mình tập trung hỗ trợ học viên hình thành các thói quen có ích và xây dựng quy trình viết hiệu quả.
Bắt đầu từ việc bồi đắp tư duy bằng cách tiêu thụ thông tin, xử lý, phân loại thông tin để lên ý tưởng, sử dụng làm chất liệu trong bài viết của mình, sau đó mới tiến hành viết, chỉnh sửa, biên tập và học cách tối ưu những gì mình viết, bạn có thể truyền tải thông điệp hiệu quả hơn đến với độc giả của mình.
Mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này trong một bài viết khác, hoặc bạn cũng có thể tham khảo khóa học viết Writing Online Jumpstart của mình nhé!
Chắc chắn, sẽ có rất nhiều gợi ý khác nữa giúp bạn hoàn thành và duy trì việc viết. Vì nếu thực sự muốn, bạn sẽ tìm thấy con đường còn khi không muốn, bạn chỉ có những lý do.
Chính vì lẽ đó, hy vọng bạn có thể luôn nhắc nhở bản thân về lý do và tầm quan trọng của việc viết đối với cuộc sống của bạn, để bạn có thể bước tiếp trên hành trình này theo cái cách khiến bạn thoải mái và hạnh phúc nhất.
Chúc bạn một hành trình viết ý nghĩa và đừng quên theo dõi The Introvert Writer để đọc thêm nhiều bài viết hỗ trợ bạn phát triển kỹ năng viết trong tương lai nhé!
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.