Bạn đã từng bao giờ đặt mục tiêu cho bản thân? Khi viết những dòng này, tôi nhớ về vô số lần mình đã đặt mục tiêu trong quá khứ. Khoảnh khắc viết ra mục tiêu, lòng tôi rạo rực một niềm vui sướng khó tả, như thể sắp chạm tay vào đến ước mơ. Những ngày sau đó, tôi luôn tràn trề nhiệt huyết mỗi khi thực hiện nhiệm vụ hướng đến mục tiêu.
Thế nhưng, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, mọi chuyện không còn như trước. Khó khăn xuất hiện khiến tôi nản lòng, nhụt chí. Trì hoãn, lười biếng liên tục gõ cửa hỏi thăm và ở lại chơi không muốn ra về. Tôi ngã ngựa khi còn chưa hoàn thành nổi ⅓ chặng đường đi đến thành công.
Đặt mục tiêu không phải là quá khó. Nhưng không phải ai cũng có thể theo đuổi mục tiêu một cách kiên trì bền bỉ. Bài viết này dành cho những ai muốn học cách đặt mục tiêu hiệu quả để biến ước mơ thành hiện thực.
Nguyên tắc giúp bạn đặt mục tiêu hiệu quả
Câu hỏi quan trọng bạn cần trả lời khi đặt mục tiêu
Khi đặt mục tiêu cho bản thân, hầu hết chúng ta đều đang cố gắng trả lời câu hỏi: “ Mình muốn đạt được điều gì?”. Tuy nhiên, Mark Manson – tác giả cuốn sách bán chạy “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” cho rằng, chúng ta nên đặt cho mình câu hỏi khác. Đó là: “Bạn có thể đánh đổi những gì để đạt được ước mơ?”
Ai trong chúng ta cũng muốn trở nên giàu có với sự nghiệp thành công. Tôi rất muốn trở thành một nhà văn sở hữu những cuốn sách bán chạy nhất. Chúng ta luôn có rất nhiều mong muốn trong cuộc đời, bởi vậy việc viết ra những mục tiêu không quá khó khăn. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất nằm ở việc bạn có sẵn sàng đánh đổi, hy sinh những thứ bạn yêu thích và dám đối mặt với khó khăn, thử thách để hoàn thành mục tiêu của mình?
Khi muốn trở thành nhà văn có những cuốn sách bán chạy, tôi chỉ nghĩ đến khoảnh khắc mình thỏa mãn được ước mơ. Cảm giác hạnh phúc khiến tôi có động lực mạnh mẽ nhất thời. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc mình sẽ phải trả giá thế nào để có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng. Trước hết, tôi phải viết, viết hàng ngày, tất cả các ngày trong tuần, 365 ngày trong một năm. Kể cả khi khó khăn, chán nản, tôi cũng phải viết. Chỉ viết thôi chưa đủ, vẫn còn muôn vàn khó khăn khác sẽ ngáng đường trên hành trình chinh phục ước mơ.
Hãy nhìn vào J.K Rowling. Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng với hàng triệu bản Harry Potter được bán ra, bà đã sống cực kỳ nghèo khổ, làm mẹ đơn thân, thất nghiệp, không có tiền thuê nhà và bị 12 nhà xuất bản từ chối.
James Clear gói gọn ý tứ này trong một câu nói thấm thía: “Ai cũng muốn huy chương vàng. Nhưng không ai muốn rèn luyện như vận động viên Olympic”
Vậy nên, khi đặt cho mình mục tiêu, bạn hãy lấy ra một chiếc bút và một tờ giấy. Chia tờ giấy làm hai phần, thuận lợi và khó khăn. Điền đầy hai cột này bằng tất cả những suy nghĩ bạn có thể tưởng tượng đến. Cân nhắc thiệt hơn và chấp nhận cái giá phải trả nếu bạn thực sự lựa chọn bắt đầu. Nếu không dám đối mặt với khó khăn, chi bằng hãy dành thời gian chuyển sang những mục tiêu có tính khả thi hơn.
Mục tiêu và thói quen
“Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi (nếp sống, phương pháp làm việc) được lặp đi lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện. Đó là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất thứ hai của con người” – Wikipedia tiếng Việt.
Có đến 40-50% hành động trong một ngày của chúng ta là theo thói quen, như thói quen như làm vệ sinh cá nhân trước khi đi ngủ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…Thói quen thường được thực hiện trong vô thức và không cần quá nhiều nỗ lực từ phía chúng ta. Bởi vậy, việc hình thành thói quen là một cách tuyệt vời giúp bạn loại bỏ những khó khăn, thử thách mà trên con đường hoàn thành mục tiêu.
Bạn hãy thử tưởng tượng xem nếu đầu tư vào thói quen hướng đến mục tiêu thì câu chuyện sẽ thay đổi như thế nào? Thay vì đặt mục tiêu giảm 10 ký trong vòng 1 tháng, bạn bắt đầu hình thành những thói quen nhỏ hàng ngày như 10 phút chạy bộ, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, một ngày không ăn thit, hạn chế đồ ăn không dầu mỡ,…Nếu vẫn còn quá khó khăn, bạn có thể tiếp tục chia nhỏ nữa thành những thói quen bạn không thể từ chối.
Đừng coi thường những thói quen nhỏ mà có võ này. Bởi một khi đã hình thành và duy trì được những thói quen nhỏ như vậy mỗi ngày, đạt được mục tiêu đơn giản là hệ quả tất yếu bạn muốn tránh cũng không được.
Để đặt mục tiêu hiệu quả
1. Đặt mục tiêu phù hợp với giá trị cốt lõi
Muốn đặt mục tiêu hiệu quả, hãy đặt mục tiêu phù hợp với những giá trị cốt lõi của bản thân. Một trong những giá trị cốt lõi mà tôi trân trọng đó là phát triển bản thân. Bởi vậy, những mục tiêu liên quan đến phát triển bản thân sẽ khả thi với tôi hơn là mục tiêu về tiền bạc.
Chính vì vậy, tôi lựa chọn theo đuổi công việc tự do phù hợp với sở thích và giá trị của tôi thay vì một công việc toàn thời gian tại một công ty nào đó, dù thu nhập có phần không ổn định. Đi trên con đường này dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tôi vẫn kiên trì bền bỉ bước tiếp mà không nản chí và dừng lại giữa đường như bao lần trước đó.
2. Sắp xếp mục tiêu theo thứ tự ưu tiên
Khi đã có một danh sách những mục tiêu mà bạn mong muốn, bạn nên sắp xếp những mục tiêu này theo thứ tự ưu tiên. Nếu như bạn đã đọc bài viết về New Year Resolution của tôi, bạn sẽ biết tôi có một vài mục tiêu cho năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi đã loại bỏ một số mục tiêu ra khỏi danh sách của mình, như mục tiêu về tiếng Hàn hay Excel.
Tại sao tôi lại làm như vậy? Nguyên tắc 80/20 phát biểu rằng, chỉ 20% những việc chúng ta làm tạo ra 80% kết quả. Tập trung vào những điều thực sự quan trọng sẽ giúp bạn toàn tâm toàn ý thực hiện mục tiêu hiệu quả hơn.
Bản thân tôi hiện tại chỉ tập trung vào một mục tiêu lớn duy nhất đó là phát triển The Introvert Writer. Một số mục tiêu nhỏ bổ trợ cho mục tiêu lớn như cho ra đời kênh Youtube hay phát triển sản phẩm, dịch vụ của The Introvert Writer vẫn được tôi thường xuyên xem xét và cân nhắc để loại bỏ hoặc mở rộng. Tất cả sự thay đổi này đều sẽ hướng đến mục tiêu chung là phát triển The Introvert Writer.
Với những mục tiêu nhỏ, tôi thường đặt mục tiêu SMART. SMART đại diện cho Specific (Cụ thể), Measurable(Có khả năng đo lường), Achievable (Khả thi), Realistic (Thực tế), and Timely (Thời gian). Bạn hãy nghĩ về những yếu tố này và viết ra những ý tưởng liên quan đến mục tiêu của bạn. Ví dụ về một mục tiêu SMART có thể là: “Đọc hết cuốn sách “Deep Work” trước ngày 20/09/2021”; “Đạt thu nhập 20 triệu đồng/tháng trong vòng 6 tháng tới”; “Hoàn thành bản thảo cuốn sách 150 trang trước tháng 3/2022”;…
3. Lập kế hoạch cụ thể hướng đến mục tiêu
Khi đã có cho mình những mục tiêu cụ thể, bạn cần lập ra một kế hoạch hướng đến mục tiêu. Chia nhỏ mục tiêu của mình theo tháng, tuần và ngày. Sau đó lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày một. Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có thể chỉ rõ những hành động cần phải thực hiện ở đâu, khi nào, như thế nào một cách rõ ràng. Trong thời gian thực hiện, bạn hãy liên tục xem xét lại mục tiêu và kế hoạch của mình để thực hiện những điều chỉnh cho phù hợp.
4. Tối ưu môi trường làm việc để thực hiện mục tiêu dễ dàng hơn
Muốn làm việc hiệu quả, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng bạn cần đặc biệt lưu tâm. Hãy chọn một nơi yên tĩnh, riêng tư và nhiều ánh sáng. Điều này trước hết giúp bạn có thể tránh được tiếng ồn từ hoạt động của các thành viên trong gia đình và môi trường xung quanh. Sau đó là giúp bạn tạo ra ranh giới về nơi làm việc để tất cả mọi người hiểu và tôn trọng sự riêng tư của bạn. Cuối cùng, theo nhiều nghiên cứu khoa học, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn ở nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên chiếu đến nhất.
Với những lưu ý trên đây, tôi hy vọng rằng bạn đã có thêm một góc nhìn mới về cách đặt mục tiêu cho bản thân.
Chúc bạn đặt mục tiêu hiệu quả và cam kết đến cùng với những mục tiêu mình đề ra!
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.