Chúng ta thường xuyên hỏi “What – Cái gì” là “How – Thế nào” thay vì hỏi “Why – Tại sao”
Tuy nhiên, thứ tự nên ngược lại. Bắt đầu với “Why – Tại sao” sau đó là “How – Thế nào” và cuối cùng mới là “What – Cái gì”.
Đây là nội dung của khái niệm “Vòng tròn Vàng – Golden Circle” mà Simon Sinek giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng “Bắt đầu với câu hỏi tại sao – Start with Why”.
Để minh hoạ cho khái niệm này, Simon nói về trường hợp của Apple.
Giả sử, nếu bắt đầu theo thứ tự thông thường, Apple sẽ nói: “Chúng tôi tạo ra những chiếc máy tính tuyệt vời. Chúng được thiết kế bắt mắt, thân thiện và dễ dàng sử dụng. Bạn muốn mua một chiếc chứ?”
Bạn có thấy thông điệp này giống với rất nhiều công ty máy tính ngoài kia, với khả năng thuyết phục không mấy hiệu quả.
Nhưng chỉ cần đảo lại trật tự câu hỏi, chúng ta sẽ có một thông điệp khác thú vị hơn: “Trong mọi thứ chúng tôi làm, chúng tôi tin tưởng vào khả năng thay đổi thực trạng. Chúng tôi tin vào cách tư duy khác biệt. Chúng tôi thay đổi thực trạng bằng cách tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, đơn giản và dễ dàng sử dụng. Và chúng tôi đã tạo ra những chiếc máy tính tuyệt vời. Bạn muốn mua một chiếc chứ?”
Bạn có nhận ra sự khác biệt trong thông điệp này của Apple? Bằng cách bắt đầu với câu hỏi tại sao, Apple cung cấp cho người dùng một lý do họ cần sở hữu một chiếc Macbook, và không phải ngẫu nhiên nó hài hoà một cách đáng kinh ngạc với triết lý “Nghĩ khác – Think Different” của văn hoá Apple. Và mọi người sẽ không thể từ chối mà mua sản phẩm của Apple.
Bắt đầu với câu hỏi tại sao, hay nói cách khác, nói cho thế giới về niềm tin, giá trị, mơ ước, tầm nhìn của bạn, có thể tạo ra sức ảnh hưởng to lớn, lan tỏa đến những ai có chung niềm tin, giá trị và mơ ước giống như bạn.
Từ đó bạn có thể truyền cảm hứng cho mọi người để họ làm những gì truyền cảm hứng cho họ. Để mỗi chúng ta có thể hành động thay đổi chính mình, tạo nên những điều kỳ diệu có khả năng thay đổi thế giới. Bắt đầu với câu hỏi tại sao cho bạn một lý do để phấn đấu, một động lực để vượt qua khó khăn, và một niềm tin sắt đá hướng tới thành công.
Có lẽ đây chính là thông điệp nổi bật nhất từ cuốn sách của Simon Sinek.
Tuy nhiên, vẫn còn những bài học tuyệt vời khác từ cuốn sách này bạn có thể học hỏi và áp dụng vào cuộc sống để thay đổi cuộc đời.
Sau đây là 3 bài học mình đã học được sau khi đọc xong cuốn sách này.
“Tìm ra lý do tại sao là một quá trình khám phá chứ không phải là sáng tạo.”
Steve Jobs từng chia sẻ trong bài phát biểu tại ĐH Stanford rằng chúng ta chỉ có thể kết nối các dấu chấm khi nhìn lại. Để tìm ra lý do tại sao cho bản thân cũng tương tự. Bạn không thể ngồi nghĩ và sáng tạo ra một lý do cho mình.
Điều bạn cần làm là nhìn lại quá khứ. Suy nghĩ về những hoạt động bản thân yêu thích, những trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc khó phai, những quyết định đã khiến bạn hạnh phúc, thậm chí cả những khoảnh khắc thất bại để tìm kiếm một điểm chung có ý nghĩa nào đó với cuộc đời bạn.
Với mình, tìm ra lý do tại sao bắt nguồn từ việc ghi chép và phản tư về trải nghiệm viết khi còn học cấp 2, một vài hoạt động nổi bật trong những năm cấp 3, những khoảnh khắc ý nghĩa có được trong 4 năm đại học, cũng như là vô vàn bài học có được kể từ lập gia đình và sinh con.
“Thành công có được khi chúng ta theo đuổi lý do tại sao mỗi ngày.”
Trong một buổi hội thảo gồm các doanh nhân triển vọng nhất nước Mỹ mà Simon tham gia, khi MC đặt câu hỏi có bao nhiêu người trong số họ đạt được mục tiêu tài chính, ngay lập tức 80% cánh tay đã giơ lên. Và trong khi họ vẫn còn đang giơ tay, MC lại hỏi tiếp có bao nhiêu người cảm thấy mình thành công. Ngạc nhiên là 80% cánh tay đã hạ xuống.
Simon cho rằng chúng ta thường nhầm lẫn thành công và thành tích. Thành tích là những gì bạn đạt được và có thể đo lường như số tiền trong tài khoản, số cổ phiếu bạn sở hữu, chức vụ bạn nắm giữ, bằng cấp bạn có được,…
Trong khi đó, thành công là một cảm giác, hoặc trạng thái. Và thành công sẽ có được khi bạn theo đuổi lý do tại sao mỗi ngày.
Với mình, mình cảm nhận được cảm giác thành công là khi độc giả nhắn tin cảm ơn vì những bài viết đã giúp họ vượt qua khó khăn, là khi học viên nhắn tin bài học của chị đã giúp em giải quyết được một vấn đề thắc mắc từ lâu, là khi khách hàng chia sẻ sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ mình cung cấp.
Và đúng như Simon nói. Cảm giác này có được vì mình đang cố gắng theo đuổi lý do tại sao mỗi ngày. Đó là truyền cảm hứng cho mọi người không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng, làm chủ bản thân để tự do xây dựng sự nghiệp và sống cuộc đời mơ ước.
“Nếu bạn theo đuổi lý do tại sao của mình, người khác sẽ theo đuổi bạn.”
Khi bạn cạnh tranh với người khác, không ai muốn giúp bạn. Khi bạn cạnh tranh với chính mình, mọi người đều muốn giúp bạn. Simon chia sẻ về trường hợp của Ben Comen. Trong một cuộc thi chạy, mọi người cố gắng chạy thật nhanh về phía trước. Chỉ có một người là Ben, đang hoàn toàn rớt lại phía sau.
Là một người bại não, Ben gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Vì thế anh liên tục bị trượt chân và ngã nhào xuống nền đất. Nhưng Ben không bỏ cuộc vì anh có một lý do rất rõ ràng. Đó là chiến thắng chính mình. Và anh không bao giờ quên điều đó.
Điều thú vị là khi tất cả mọi người đã hoàn thành xong lượt chạy, họ đều quay trở lại để chạy cùng Ben và giúp đỡ Ben về đích.
Chúng ta thường so sánh bản thân với người khác và có xu hướng cạnh tranh để trở nên giỏi hơn họ, tốt hơn họ. Nhưng điều đó chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi, chán nản và dần dần rời xa mục đích tốt đẹp ban đầu.
Thay vào đó, bắt đầu một ngày mới bằng cách theo đuổi lý do của mình, thực hiện những hành động dù nhỏ bé nhưng hướng đến mục tiêu của bản thân, giúp bạn tốt hơn dù chỉ 1% mỗi ngày chính. Đây là cách hiệu quả không chỉ giúp bạn đạt được ước mơ mà còn có khả năng truyền cảm hứng cho người khác để cùng tạo ra những thay đổi tích cực cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Bắt đầu bằng câu hỏi tại sao là một bước rất quan trọng trong mọi việc bạn làm, cũng là cách thức giúp bạn tìm ra con đường phù hợp cho bản thân, xua tan đi làn mây mù giăng lối trong thời điểm bắt đầu thực hiện một công việc nào đó.
Hy vọng bạn có thể nhớ hỏi “Why” trước khi hỏi “How” và “What” để tìm thấy thành công trong cuộc sống!
Khi bạn sẵn sàng, đây là 4 cách mình có thể giúp bạn:
1. Đặt lịch hẹn tư vấn miễn phí 30 phút với The Introvert Writer để được giải đáp các vấn đề liên quan đến hiểu về bản thân, rèn luyện tư duy, kỹ năng phù hợp để tự tin phát triển bản thân và sự nghiệp.
2. Sử dụng các dịch vụ done-for-you từ The Introvert Writer để rút ngắn hành trình phát triển của bạn. Hiện tại mình đang cung cấp dịch vụ tạo blog cá nhân và dịch vụ viết bài chuyên nghiệp.
3. Tham gia các khoá học online tự học theo tiến độ với chi phí hợp lý giúp phát triển kỹ năng (Kickstart Your Website nhằm phát triển kỹ năng làm blog/website, Writing Online Jumpstart nhằm phát triển kỹ năng viết online).
4. Tham gia các khoá học đồng hành 1:1 (5 khoá chuyên biệt – Write to Success về viết, Dreamer to Blogger về blog, Your Heart Centered Brand về thương hiệu cá nhân, Product Service Blueprint về sản phẩm dịch vụ, Way to Freedom – khoá học đặc biệt chuyên sâu hướng dẫn lộ trình từ A-Z phát triển sự nghiệp tự do) để The Introvert Writer đồng hành cùng bạn phát triển kỹ năng, xây dựng sự nghiệp, tự chủ về thời gian, gia tăng thu nhập và sống đời mơ ước.