chỉ trích nội tâm

Vượt Qua Chỉ Trích Nội Tâm (Inner Critic) Để Tự Tin Viết Và Chia Sẻ Bài Viết Tuyệt Vời Của Bạn Với Thế Giới.

Mỗi khi ngồi vào bàn viết, có bao giờ bạn nghe thấy những lời thì thầm kiểu như:

“Nếu mình viết không hay thì sao?”

“Mình vốn không giỏi viết lách, cách diễn đạt thì lủng củng, luôn thấy bí từ khi viết, mình không thể cho ra đời được một bài viết chất lượng.”

“Nhỡ đâu những gì mình muốn chia sẻ lại động chạm đến ai đó và họ sẽ ghét mình thì sao?”

“Đã có quá nhiều người viết về chủ đề này rồi và họ toàn viết những bài tuyệt vời, mình sẽ không thể viết hay hơn họ.”

“Mình viết tệ quá đến nỗi bản thân còn không dám nhìn lại bài viết của mình thì liệu có ai muốn đọc những gì mình viết?”

Nếu bạn nghe thấy những lời nói phía trên, hoặc có ý nghĩ nào đó tương tự, mình tin bạn cũng đang đối mặt với những gì mình từng trải qua trên hành trình viết.

Đó là chỉ trích nội tâm, phán xét, nghi ngờ bản thân. 

Cuộc gặp gỡ với nhà phê bình nội tâm bên trong con người bạn xảy ra thường xuyên đến nỗi bạn trì hoãn, thậm chí lảng tránh việc viết và từ chối chia sẻ công khai bài viết của mình.

Nếu thực sự muốn viết (mình tin là bạn muốn), chúng ta hãy cùng nhau làm quen và tìm hiểu sâu hơn về “nhà chỉ trích nội tâm” đang trú ngụ bên trong bạn để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này nhé!

Chỉ trích nội tâm (Inner Critic) là gì?

Chỉ trích nội tâm được coi là một khái niệm tâm lý miêu tả một phần tính cách có xu hướng phán xét hoặc đánh giá thấp con người bạn hoặc những gì bạn làm được. 

Nó tồn tại giống như một tiếng nói bên trong, đặc biệt cất lên khi bạn nghi ngờ bản thân, sợ hãi, chán nản hoặc khi kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, hay bị áp lực từ kỳ vọng của người khác. Tiếng nói ấy khiến bạn trở nên nhỏ bé, kém cỏi, nhút nhát, sợ sệt và có xu hướng lảng tránh, bỏ cuộc. 

Với nhiều người, Inner Critic tưởng chừng không phải là một trở ngại đáng để xem xét trên hành trình viết. Nhưng thực chất đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến phần lớn những người mới bắt đầu viết bỏ cuộc, thậm chí khi còn chưa bắt đầu (theo quan sát từ hơn 50 học viên học viết của mình). 

Đây là một điều thực sự đáng tiếc. Bởi bạn đã tự tước bỏ cơ hội tiềm năng của chính mình khi chưa thể hiện được năng lực tuyệt vời nào của bản thân.

Và bạn biết không, chỉ cần vượt qua thử thách này, con đường phía trước sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tất nhiên, ý mình không phải là ngay lập tức bạn sẽ trở nên nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Ý mình muốn nói, khó khăn lớn nhất bạn đã vượt qua được, còn điều gì có thể đánh gục được bạn nữa, phải vậy không?

Nguồn: greendoorrelaxation.net

Inner Critic là tốt hay xấu?

Với những gì mình vừa chia sẻ về Inner Critic, có lẽ bạn sẽ nghĩ chỉ trích nội tâm, phán xét bản thân là điều gì đó giống như một loại ung nhọt cần loại bỏ vĩnh viễn. Sự thật không hẳn như vậy. Chỉ trích nội tâm có thể tạo nên ảnh hưởng tiêu cực trong hành trình viết của bạn, khiến bạn không thể thực hành và phát triển kỹ năng viết hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ trích nội tâm cũng có những mặt tích cực, nếu nhìn nhận thật công tâm.

Trước tiên, việc chỉ trích, phán xét, phê bình bản thân là một dấu hiệu cho thấy viết là một điều gì đó quan trọng với bạn. Nếu nó không quan trọng, có lẽ bạn đã không quan tâm, lo lắng, sợ hãi nhiều đến thế. Chính vì viết quan trọng với bạn (và giờ bạn biết điều đó) nên đừng vì thế mà từ bỏ khi mới chỉ tiến được vài bước nhé!

Thứ hai, hãy thử tưởng tượng nếu không có Inner Critic, bạn sẽ thế nào? Bạn sẽ không còn phê bình bản thân và mong muốn trở nên tốt hơn nữa. Lúc này, có thể lắm chứ, “mình quá giỏi giang, quá hoàn hảo”, “mình là trung tâm của thế giới” lại trở thành suy nghĩ của bạn. Kiêu căng, tự mãn giờ là chướng ngại vật ngăn bạn học hỏi và hoàn thiện bản thân. 

Theo mình, Inner Critic tồn tại như một dạng động lực để bạn không ngừng phấn đấu trên hành trình phía trước. Những lời phê bình, chỉ trích công tâm là cần thiết để bạn tự nhận thức sâu sắc về bản thân, biết khiêm nhường học hỏi. 

Nhưng thay vì để lời phê bình cản trở bước tiến của bạn, cần học cách tập trung nhìn nhận đúng đắn về vấn đề để đề xuất hướng giải quyết phù hợp và thực sự hành động hướng tới mục tiêu. Nếu nhìn ở góc độ này, đây có thể là một kỹ năng bạn cần trau dồi để sử dụng hiệu quả trên hành trình viết nói riêng và phát triển bản thân nói chung.

Tóm lại, việc cố gắng loại bỏ hoàn toàn chỉ trích nội tâm ra khỏi cuộc đời bạn là không cần thiết. Trong cuốn sách Big Magic, Elizabeth Gilbert từng chia sẻ một đề xuất khá thú vị, đại khái là hãy mời nỗi sợ của bạn tham gia vào cuộc vui nhưng chắc chắn phải nhớ đừng để nó ngồi ghế lái. 

Chúng ta cũng có thể sử dụng cách này để vượt qua những chỉ trích nội tâm. Bằng cách xây dựng một mối quan hệ mới, lành mạnh hơn mà ở đó bạn không quên mình là người mới là người nắm quyền kiểm soát cuộc chơi.

Xây dựng mối quan hệ lành mạnh với Inner Critic

Để có thể xây dựng được mối quan hệ lành mạnh với tiếng nói bên trong này, trước tiên, hãy làm bạn với nó để hiểu hơn về nó. 

Bạn có thể tưởng tượng Inner Critic giống như một người bạn đang ngồi cạnh và trò chuyện với bạn. Người bạn này trông như thế nào, thường xuất hiện vào thời điểm nào và nói những gì với bạn? 

Bạn có thể mô tả bằng cách viết hoặc vẽ lại người bạn này của mình ra giấy và đặt cho bạn ấy một cái tên. Để mọi chuyện không phải là điều gì quá nghiêm trọng, bạn có thể dùng một cái tên nào đó bạn thấy hài hước và thú vị. Khi viết những dòng này mình liên tưởng đến cô nàng Oliver trong bộ phim “Thuỷ thủ Popeye” mình hay xem thuở nhỏ.

Nàng Oliver – Nguồn: Kenh14.vn

Mình sẽ gọi người bạn này là Oliver nha!

Bạn Oliver trông giống như cô nàng Oliver. Vậy thì bạn ấy cũng khá thân thiện đó chứ.

Nhưng bạn ấy lại chỉ hay đến chơi với mình khi mình sợ hãi một điều gì đó, khi mình so sánh bản thân với người khác hoặc những lúc mình chán nản, buồn bã. 

Bạn Oliver thường kêu mình chờ đợi, trì hoãn một việc gì đó mình thấy sợ hãi và biết cần phải làm. Lúc đó, mình thường nghe lời bạn vì trong phút chốc lời khuyên này khiến mình thoải mái hơn. Nhưng mỗi khi nhìn lại, mình luôn thấy hối hận vì nghe lời Oliver thay vì những gì trái tim thực sự mách bảo.

Soi xét thật kỹ để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Oliver thường ghé thăm mình những lúc này, đôi khi mình nhận ra, có thể là do trong quá khứ mình đã nhận về một lời nhận xét không tốt cho việc mình đã làm, từ một điều gì đó mình được dạy phải tin tưởng, hoặc bởi ảnh hưởng từ môi trường mình đang sống.

Chính vì thế, dành thời gian bình tĩnh ngồi lại với người bạn này và tâm sự nhiều hơn với bạn ấy, chúng ta có thể cảm nhận được nhiều điều hơn về bạn ấy và chính bản thân mình. Và bạn sẽ thấy, đối xử tốt với bạn ấy, dường như bạn ấy cũng nhẹ nhàng hơn với chúng ta như cái cách mà Henneke của Enchanting Marketing đã chung sống hoà thuận với tiếng nói bên trong của mình.

Nguồn: Enchanting Marketing

Inner Critic → Inner Coach

Học cách nói chuyện tích cực với nội tâm của bạn để biến tiếng nói chỉ trích thành tiếng nói khai vấn hỗ trợ bạn hiểu hơn về chính mình, nhìn thấy những điều tích cực bên trong mình, khuyến khích bạn hành động hướng tới mục tiêu thay vì trì hoãn, bỏ cuộc. 

Bạn có thể thực hành chuyển đổi những suy nghĩ như:

  • “Mình chưa đủ tốt.” → “Mình có thể học hỏi thêm bằng cách gì nhỉ?”.  
  • “Mình viết không hay.” → “Mình có thể viết tốt hơn như thế nào nhỉ?” 
  • “Mình sợ người khác đánh giá.” → “Đánh giá sẽ giúp mình cải thiện kỹ năng viết, học cách ứng xử trước tiêu cực và hoàn thiện bản thân hơn. Làm thế nào để biến nỗi sợ thành hành động nhỉ?”

Tất nhiên, hành trình này không hề dễ dàng. Nhưng nếu có thể kiên trì nhận biết những khoảnh khắc chỉ trích nội tâm và thay thế bằng những suy nghĩ của một người khai vấn tích cực, bạn có thể chung sống hoà bình và giải phóng được năng lực tiềm ẩn của mình, thậm chí đến mức chính bản thân bạn không ngờ tới.

Nguồn: themindsjournal.com

Một vài cách thức khác giúp bạn vượt qua chỉ trích nội tâm khi viết

Đặt mục tiêu “Your First Shitty Draft” – Bản nháp tồi tệ nhất của bạn

Đây có thể coi là một cách đánh lừa bộ não của bạn. Thay vì cố gắng đặt ra mục tiêu trở nên hoàn hảo, bạn sẽ đặt mục tiêu viết bản nháp tệ nhất trong đời và cố gắng hoàn thành nó. Một khi bạn đã hoàn thành bản nháp tệ nhất và không thể tệ hơn trong đời, có nghĩa rằng bản nháp thứ hai, thứ ba của bạn sẽ ngày càng hay ho hơn. 

Điều đó chứng minh được sự tiến bộ của bạn trong việc viết. Bạn đã có thể thể viết, thậm chí viết tốt hơn chỉ sau một bản nháp. Vậy tại sao bạn lại không thể viết tiếp nhiều hơn những bản nháp như thế trên hành trình phía trước?

Không ai có thể viết một bài văn hoàn chỉnh nếu thiếu đi bản nháp đầu tiên. Đây chính là bước đệm để bạn hoàn thiện bài viết đầu tiên dành cho mình. Và bạn biết cảm giác khi hoàn thiện bản nháp này như thế nào không? Mình đã từng trải qua rất nhiều lần và không thể diễn tả niềm sung sướng của mình bằng lời.

Như một thước phim tua chậm, bạn sẽ thấy ngại ngồi vào bàn viết, tìm đủ lý do để không viết, vật lộn để hoàn thành bản nháp đầu tiên, “Yahhhhhhh”. Thực sự rất đã. Và khi bạn chỉnh sửa nó, chứng kiến bài viết của mình trở nên hoàn chỉnh, giống như cảm giác lắp ghép bức tranh nghìn mảnh thành hình. Nhìn tác phẩm hoàn thiện trước mặt, mình luôn thầm cảm ơn bản thân đã viết mà không từ bỏ.

Viết cho những ai yêu mến những gì bạn viết

Thời điểm mình bắt đầu The Introvert Writer, mình đã bắt đầu chuyên mục “Bài viết theo yêu cầu” vào mỗi thứ 3 hàng tuần. Lúc đó không có nhiều độc giả, mình đã liên hệ từng người một để hỏi mọi người về chủ đề các bạn muốn mình viết. 

Blog của mình lúc đó viết về đủ loại. Nào là bài học tuổi 20, mục đích sống, cách viết nhật ký, hiểu về bản thân. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất khi mình bắt đầu viết và viết cho mọi người. Mình không còn thấy sợ hãi mà luôn háo hức được viết, vì mình biết mọi người đang chờ đón bài viết của mình. Và trong hoàn cảnh này, Inner Critic dường như chưa bao giờ xuất hiện.

Free Writing và Blind Writing

Lúc mới viết, mình thường truy cập The Most Dangerous Writing App để viết tự do hoặc theo chủ đề ngẫu hứng mà ứng dụng đưa ra. Điểm đặc biệt của ứng dụng này, mình nghĩ cũng chính là điểm cốt lõi của Free Writing. 

Đó là việc cho phép bản thân viết theo dòng chảy cảm xúc mà không cần quan tâm đến bất kỳ điều gì. Không suy nghĩ về cách sử dụng từ, không suy nghĩ đến cấu trúc ngữ pháp, dấu chấm dấu phẩy hay việc có sai lỗi chính tả hay không. Đơn giản chỉ là viết. Và chỉ cần bạn ngừng viết, mọi thứ bạn đã từng viết sẽ biến mất. 

Nếu bạn không muốn sử dụng ứng dụng này, bạn cũng có thể thử Blind Writing.  Bằng cách mở Google Docs ra và lựa chọn chữ màu trắng, bạn sẽ không thể nhìn thấy được những gì mình viết. Không nhìn thấy những gì đã viết khiến bạn yên tâm hơn và viết tự do mà không phán xét. Điều này thúc đẩy quá trình viết của bạn diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn.

Lập danh sách những lỗi thường gặp và tìm cách cải thiện 

Mời nhà phê bình nội tâm chỉ ra thật công tâm những lỗi bạn thường gặp phải trong quá trình viết để cải thiện chúng là một cách bạn nên thực hiện.

Liệt kê tất cả những điều này và tìm giải pháp cho từng vấn đề một. Trong một khoảng thời gian nhất định, chỉ tập trung cải thiện một lỗi. Đến khi đã hoàn thiện, bạn có thể chuyển sang lỗi thứ hai. Cứ như thế, loại bỏ từng điều từng điều một. 

Đừng sốt ruột. Theo thời gian, bạn sẽ thấy tự tin hơn về kỹ năng viết của mình.

Dành thời gian học hỏi và phát triển bản thân

Với những bài blog trên The Introvert Writer, ngay sau khi xuất bản xong, mình đọc lại đều không thấy có vấn đề gì.  Ba tháng sau, mình đọc lại, cũng chẳng phát hiện ra vấn đề gì lớn nếu không nói chỉ là vài lỗi đánh máy nhỏ. Sáu tháng sau, cảm giác cũng như vậy. 

Cho đến một năm sau, mọi thứ dường như mới có vấn đề.

Đôi lúc mình nghĩ, không phải những gì trước đây mình viết là sai, mà theo thời gian, góc nhìn của mình đã thay đổi. Nếu viết lại, có thể mình sẽ không triển khai bài viết theo cách này, lấy những ví dụ này hoặc diễn đạt như vậy. 

Có lẽ, sẽ mất cả tháng để bạn viết tốt hơn nhưng mất hàng năm trời để bạn có thể đem lại những bài viết thật sự chất lượng, chạm tới trái tim người đọc. Bạn phải thực sự học hỏi, ứng dụng những gì mình đã học vào cuộc sống, đánh giá, cải tiến và trải nghiệm rồi lặp lại quá trình này nhiều lần. 

Bạn không thể kỳ vọng bản thân hôm nay viết được những bài viết mà phải ba bốn năm sau bạn mới có thể viết ra. Bởi những bài viết của bạn không chỉ phản ánh những gì bạn học được mà còn chứa đựng cả một hành trình trưởng thành trong tâm thức của bạn. 

Chính vì thế, thay vì dành thời gian tập trung quá nhiều vào chỉ trích bản thân, dùng chúng để học hỏi và cải thiện kỹ năng, kiến thức, tích luỹ trải nghiệm mỗi ngày. Có như vậy, dần dà, bạn sẽ trưởng thành hơn trong cách viết, qua từng bài viết, trong cả sự nghiệp và cuộc đời.

Thu thập bằng chứng ủng hộ bạn

Mình có thói quen lưu giữ các bài viết, lời nhận xét, và cả những lá thư từ độc giả, khách hàng, học viên. Nhiều trong số những nội dung này được lưu trữ trong mục “Cảm nhận” và “Góc học viên” trên The Introvert Writer. Mỗi khi cảm thấy khó khăn, chán nản hoặc nghi ngờ bản thân, mình lại tìm đọc những dòng này và nó thực sự mang lại cho mình sức mạnh to lớn để tiếp tục dấn thân trên hành trình viết. 

Nếu bạn chưa từng làm việc này, thử bắt đầu thu thập tất cả những bằng chứng viết lách bạn có và cất giữ nó trong một folder trên máy tính hoặc thậm chí in ra và trang trí chúng trong một cuốn sổ đẹp. Đặt nó ở một góc dễ nhìn để có thể giở ra đọc mỗi ngày. Và không biết tự lúc nào, tiếng nói chỉ trích bản thân trong bạn đã thở đều, chìm vào giấc ngủ sâu, chỉ còn lại niềm háo hức viết và viết nhiều hơn nữa.

Đừng ngần ngại nhờ trợ giúp từ chuyên gia 

Phần lớn học viên của mình đều hướng nội. Nguyên nhân lớn nhất khiến mọi người gặp khó khăn trong viết lách đều đến từ những rào cản tâm lý bên trong mà điển hình là việc chỉ trích, phán xét bản thân. 

Khoảng thời gian nhiều nhất mình đã đồng hành với một học viên là hơn nửa năm và ít nhất là gần 3 tháng, hầu hết chỉ để giải quyết những vấn đề này. Mình ấn tượng nhất với một chị học viên phải mất đến hơn 5 tháng để đi từ việc sợ viết và chia sẻ bài viết đến chỗ có thể viết và chia sẻ những gì mình viết trong cộng đồng kín của The Introvert Writer.

Quá trình này với nhiều người có thể là dài. Vì thế, các bạn không thể kiên nhẫn và đầu hàng. Nhưng khi hai chị em nhìn lại sau khi khoá học kết thúc, đều cảm nhận được đây là một quá trình chuyển mình cực ý nghĩa. Giờ chị không chỉ viết, chị còn có thể tự tin làm nhiều việc trước đây chị cho là không thể. 

Một mình chống chọi với khó khăn sẽ khiến bạn dễ dàng lùi bước. Ngược lại, có một người đồng hành ở bên giúp bạn dũng cảm tiến lên phía trước vô định để tìm kiếm con đường cho mình. 

Bởi đôi khi cái bạn cần không phải điều gì to tát. Chỉ cần một người đặt niềm tin vào bạn, khuyến khích bạn tin tưởng bản thân, lắng nghe bạn những lúc khó khăn, là quá đủ để bạn vững vàng tiến lên phía trước.

Nếu bạn tìm được một ai đó như vậy, hãy nhờ sự trợ giúp từ họ nhé!

Cuối cùng, nếu bạn đã dành thời gian đọc bài viết này, làm bạn với chỉ trích nội tâm bên trong và thực hiện một trong số những gợi ý phía trên, mình tin bạn sẽ bắt đầu có những chuyển biến tích cực trên hành trình viết.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khó khăn hơn vì lý do này hay lý do khác, thậm chí là cả một vết thương cần được chữa lành. Lúc đó, cái bạn cần cho bản thân mình là thời gian. Và điều bạn có thể làm chính là kiên trì. 

Chỉ cần bạn không bỏ cuộc.

Bạn sẽ thấy đích đến của mình!

Chúc bạn sẽ tìm thấy “Oliver”của mình, xây dựng mối quan hệ hoà hợp với bạn ấy và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, không chỉ trong việc viết mà ở tất cả các khía cạnh còn lại của cuộc sống!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nhập mã TIWBLFRI24 để được giảm giá 50% cho tất cả các khoá học online.

X
Scroll to Top